Trước nay, khách du lịch trong và ngoài nước khá quen với âm thanh cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng và các sơn nữ chân trần nhảy múa trong những đêm LangBian rạo rực.
Các chàng trai, cô gái Kơ Ho biểu diễn cồng chiêng
Song, trong giai điệu cuộn trào ấy còn những điều thao thức…
“Làng” đa văn hóa
Người Kơ Ho (Cil, Lạch) bao đời sống dung dị, gắn bó ở một bon (buôn) nhỏ dưới chân ngọn LangBian hùng vĩ - niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Dù chỉ một bon nhỏ (khoảng 500 hộ với 2.000 nhân khẩu sống quần tụ trong phạm vi chưa tới 1km2), nhưng nơi đây đã được nhiều du khách phương xa biết đến, bởi hội tụ nhiều yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng mà có lẽ không có một làng, bản nào trên khắp đất nước hình chữ S có được.
Nói đến LangBian, người ta nghĩ ngay đến một địa chỉ có đặc sản rượu cần, song vượt lên trên một thức uống thơm ngon, quyến rũ rượu cần còn là “dòng chảy của ký ức” - mạch nguồn văn hóa Kơ Ho. Nói đến LangBian, người ta biết đến một địa danh du lịch nổi tiếng - nơi có đỉnh núi cao nhất cao nguyên Lâm Viên (2.167m), gắn với câu chuyện tình huyền thoại chàng Lang và nàng Bian… Bên dưới chân Núi Mẹ linh thiêng ấy, một tộc người ngày tháng cần mẫn dệt ra những sản phẩm mềm mại, lung linh hoa văn - thổ cẩm (một thời) khiến du khách, nhất là khách nước ngoài ngỡ ngàng, lạ lẫm và thích thú. Nhắc đến LangBian, du khách say lòng bởi điệu cồng, lời chiêng mê hoặc và những cô sơn nữ chân trần xinh đẹp, khỏe khoắn với những bước nhảy khiến du khách quên lối về. Và nói đến LangBian - người ta biết đến một “Làng nghệ sĩ chân trần” với hàng chục con “chim sơn ca” đã vượt qua những mái nhà sàn đơn sơ, ám khói để “bay” đi khắp nơi, tỏa sáng...
Trong thời hiện đại ngày nay, việc lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đã là rất quý rồi, nói chi đến lưu giữ những giá trị mang tính cộng đồng cao. Qua đó, gìn giữ tình làng nghĩa xóm, tính cấu kết cộng đồng - nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở một buôn nhỏ như LangBian.
Những điều thao thức
Cồng chiêng và rượu cần luôn hiện hữu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân Kơ Ho
Cũng như rượu cần, một thời, tiếng cồng chiêng gióng lên nghe não nuột, chạnh buồn, bởi cái nghèo, cái khó quẩn quanh các buôn làng. Tuy nhiên, đã là truyền thống, gắn với “số phận” con người thì dù khó mấy cũng phải lưu giữ… Bởi vậy, tại bon nhỏ này trước đó đã từng có một đội cồng chiêng nữ tồn tại và 6 nghệ nhân đều là những mò (bà), những mơi (mẹ) sống trên dưới 80 mùa rẫy đêm đêm vẫn đủ sức gióng lên những điệu chiêng thao thức.
Đối với người dân tộc thiểu số bản địa, nếu cồng chiêng là cung bậc của tâm thức thì rượu cần là mạch nguồn, thức uống tâm linh. Cồng chiêng và rượu cần luôn hiện hữu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh, gắn với hỷ, nộ, ái, ố của người dân tộc thiểu số xưa nay…
Không phải ngẫu nhiên mà bon nhỏ này đã và đang tồn tại 12 nhóm cồng chiêng, chủ yếu do người dân tự tập hợp, tổ chức và tự duy trì hoạt động qua nhiều năm đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch khắp nơi tham gia thưởng thức. Nhiều du khách bảo rằng, nếu đến Đà Lạt mà chưa tham dự biểu diễn cồng chiêng ở LangBian coi như chưa đến Đà Lạt. Nói vậy để thấy cồng chiêng LangBian có “sức hút”, sức hấp dẫn nhất định đối với du khách khắp nơi.
Song, một thực tế cho thấy, ít chủ nhà, các nghệ nhân và đội ngũ nam, nữ tham gia biểu diễn cồng chiêng tại các nhóm chiêng này không xem đây là nghề chính mà chỉ tranh thủ phục vụ khách du lịch kiếm thêm thu nhập mỗi đêm…
Điều dễ hiểu bởi đây là những nhóm chiêng tự phát, các hộ dân lấy nhà mình làm nơi diễn, tự đầu tư trang bị dụng cụ, tự tổ chức, tự phục vụ… Bởi vậy thiếu tính chuyên nghiệp, cơ sở vật chất chắp vá, hoạt động thiếu ổn định. Và một thực tế đáng quan tâm là giữa yếu tố kinh doanh với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống còn nhiều điều phải trăn trở…
Làm sao để tiếng cồng chiêng LangBian vút cao giữa đại ngàn hùng vĩ, quyện hòa với vị ngọt nồng nàn của men rượu cần mời gọi khách bốn phương?
THANH DƯƠNG HỒNG