Nửa cuối buổi sáng và chiều 1.7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI chia 4 tổ thảo luận. Có 55 lượt ý kiến phát biểu.
Các vấn đề liên quan đến sản xuất nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp, cải cách hành chính và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được nhiều đại biểu quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung vào các hộ kinh doanh, có quy trình hỗ trợ cụ thể về thủ tục khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp
Liên kết để tăng hiệu quả
Đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả là ý kiến của nhiều đại biểu. Có ý kiến cho rằng, trong đầu tư nông nghiệp tỉnh ta đầu tư còn ít so với các tỉnh bạn. Việc hỗ trợ đầu tư nhà màng, nhà lưới số lượng còn ít, chậm, chưa kịp thời khuyến khích nhân dân. Đề nghị tỉnh chỉ đạo việc nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Có ý kiến đề nghị cần đánh giá phát triển nông nghiệp không nên chỉ tập trung vào sản lượng, do việc khai thác quá mức làm suy kiệt nguồn đất; trong khi đó khi sản lượng thấp thì giá lại cao; cần xác định sản lượng phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì mức giá tốt. Tỉnh cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ những mô hình sản xuất tập trung, sản xuất công nghệ cao; cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng theo chuỗi giá trị...
Có ý kiến cho rằng chủ trương dành 70% ngân sách dự phòng hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi sẽ rất khó khăn trong việc điều tiết ngân sách. Nên có chính sách khuyến khích phát triển đàn gia súc (trâu, bò), nuôi trồng thủy sản, gia cầm khác để thay thế nguồn thực phẩm này. Đây là thời cơ để thực hiện quy hoạch lại vùng sản xuất chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Đề nghị có hướng dẫn chế độ chi hỗ trợ bảo đảm công bằng: niêm yết công khai hộ dân được hỗ trợ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời tới người bị thiệt hại do dịch. Đề xuất với Trung ương về chính sách hỗ trợ bảo đảm công bằng về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí (nếu là doanh nghiệp, thì khi có rủi ro dịch bệnh sẽ không được hỗ trợ).
Đề nghị tỉnh có chỉ đạo ngành ngân hàng cho giãn, hoãn tiến độ trả nợ của các hộ chăn nuôi để tạo điều kiện cho họ chuyển hướng kinh doanh khác hoặc tái đàn khi có chỉ đạo.
Phát triển doanh nghiệp mới còn khó khăn
Một số ý kiến đánh giá Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhìn chung hiệu quả đối với các cơ quan nhiều thủ tục nhưng có cơ quan ngồi trực lại ít nhận được thủ tục do người dân chưa có nhu cầu
Có ý kiến cho rằng khó đạt mục tiêu thành lập 2.500 doanh nghiệp mới (bình quân 1 năm chỉ có thể thành lập khoảng 1.800 doanh nghiệp). Việc chuyển hộ cá thể kinh doanh thành doanh nghiệp rất chậm. Qua kiểm tra mới có 5 huyện tổ chức triển khai, còn 7 huyện triển khai rất chậm và chưa quyết liệt. Có hiện tượng hộ kinh doanh có diện tích kinh doanh rộng, trả lương nhiều nhưng kê khai thu nộp thuế và sử dụng lao động thấp, chỉ dưới 10 lao động.
Đề nghị nên khảo sát và đánh giá kỹ hơn để giao chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp và các tổ chức đảng cho các huyện. Đối với doanh nghiệp mới cần sự quan tâm của cấp huyện và cơ sở tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cần tập trung vào các hộ kinh doanh, có quy trình hỗ trợ cụ thể về thủ tục khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.
Có ý kiến đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu và bổ sung chính sách thu hút đầu tư định hướng vào doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp lớn, uy tín để có nguồn thu ngân sách lớn, mang lại lợi ích kinh tế và giải quyết việc làm.
Cải cách hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu
Có ý kiến phản ánh chính quyền điện tử ở cấp huyện, cấp xã chưa đạt yêu cầu; phần mềm quản lý văn bản chưa kết nối với phần mềm dùng chung khác. Trong thời gian tới cần thực hiện mô hình Trung tâm giám sát thông minh tỉnh, tích hợp các hệ thống chung các sở ngành; triển khai họp trực tuyến từ tỉnh tới xã; sử dụng đường truyền dữ liệu chuyên dùng.
Có ý kiến đề nghị giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nghiêm túc, việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để Tỉnh ủy thảo luận tìm ra giải pháp khắc phục. Nguyên nhân chính là do con người, công nghệ thông tin và kiểm tra giám sát. Giải pháp tập trung là phải tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, tạo được cơ sở dữ liệu liên thông từ xã, huyện lên tỉnh. Phải có con người và cơ quan công vụ kiểm tra giám sát và chịu trách nhiệm về nội dung này.
Cần tập trung tuyên truyền rõ nét hơn; tập trung kiểm tra hành chính công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; bộ phận một cửa ở các địa phương. Xác định rõ cải cách hành chính đang "nghẽn" ở khâu nào (tỉnh, huyện hay xã).
Một số ý kiến đánh giá Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhìn chung là hiệu quả đối với các cơ quan nhiều thủ tục. Tuy nhiên có cơ quan ngồi trực nhưng ít nhận được thủ tục do người dân chưa có nhu cầu. Tới đây đề nghị cần tổng kết đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động.
Đối với các thủ tục đơn giản đề nghị cho giải quyết xử lý tại cơ quan để rút ngắn thời gian, như ở Kho bạc Nhà nước Hải Dương đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến điện tử. Tuy nhiên đối với các thủ tục lớn, phức tạp đề nghị có nhanh hay không cũng phải công khai; có thủ tục gây phiền hà sách nhiễu không? Về thực hiện ở Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đang gây lãng phí khi làm dịch vụ chuyển hồ sơ (ít nhất 26.000 đồng/bộ hồ sơ), trong khi có cơ quan địa điểm vận chuyển quá gần.
Có ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính; cần xử lý cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo quản lý ở cấp ủy, chính quyền trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Sớm có chủ trương với các vấn đề sau sáp nhập
Có ý kiến đề nghị tỉnh sớm ban hành hướng dẫn về kiện toàn bộ máy và công tác cán bộ ở các xã thực hiện sắp xếp; sớm kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở các đơn vị hành chính mới
Để tập trung cho công tác sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, có ý kiến đề nghị phải xác định thật rõ ràng, rành mạch về công nợ đối với các xã sắp xếp, nhất là khi phát sinh công nợ sau sắp xếp; chuẩn bị nhân sự để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Có ý kiến đề nghị sớm có hướng dẫn xử lý tài sản công nhằm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí sau sáp nhập các đơn vị cấp xã.
Đề nghị các sở, ngành chuyên môn chủ động đề xuất cơ chế chính sách thay đổi có liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập như: lĩnh vực đầu tư công, cơ sở vật chất xã, phường, thị trấn. Các xã đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới khi sáp nhập thì quản lý, sử dụng thế nào cho hợp lý; cần có chủ trương sớm đối với các trường học.
Có ý kiến cho rằng việc tuyên truyền phải gắn liền với cơ chế, chính sách rõ ràng. Đề nghị tỉnh sớm ban hành hướng dẫn về kiện toàn bộ máy và công tác cán bộ ở các xã thực hiện sắp xếp; sớm kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở các đơn vị hành chính mới. Quan tâm chính sách cho cán bộ nghỉ khi thực hiện sắp xếp và bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ; hỗ trợ kinh phí đối với các xã sáp nhập, đặc biệt những xã khó khăn về cơ sở vật chất, tạo sự ổn định phát triển.
Nhiều ý kiến đề nghị cần có nguyên tắc cụ thể, phù hợp cho việc đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã; nên xác định theo lịch sử truyền thống, nếu dùng tên danh nhân thì không nên cắt ghép cơ học. Ví dụ, huyện Gia Lộc nhập 3 xã làm 1 thì lấy tên mới là Yết Kiêu (tên của một xã cũ) là tương đối phù hợp; huyện Kinh Môn nhập các xã Quang Trung, Phúc Thành và cắt ghép lấy tên xã mới là Quang Thành là chưa phù hợp.
PV