​Thảo luận nhiều vấn đề nóng

10/07/2019 07:33

Sáng 10.7, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường, làm rõ một số vấn đề trong buổi thảo luận tổ chiều 9.7.


Các đại biểu dự phiên thảo luận tại hội trường

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phạm Minh Phương (Thanh Hà) đề nghị sớm thực hiện việc chuyển rác thải 8 xã ở huyện Thanh Hà đến xử lý tại nhà máy xử lý rác ở xã Việt Hồng theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời tạo điều kiện các địa phương khác ở huyện có thể xử lý rác tại đây để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đại biểu Phương cũng đề nghị cần tăng cường việc giám sát chất lượng nước sạch ở nông thôn. Các cơ quan chức năng tại địa phương cần tăng cường kiểm tra, công bố rõ ràng kết quả để người dân nắm được, kiên quyết xử lý, yêu cầu khắc phục những tồn tại, bất cập. Đại biểu Phương đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương xi măng xây dựng nông thôn mới.


Đại biểu Phạm Minh Phương (Thanh Hà) đề nghị cần tăng cường việc giám sát chất lượng nước sạch ở nông thôn

Theo đại biểu Phạm Minh Phương, hiện nay tỉnh ta được quy hoạch 18 khu công nghiệp (KCN) và đã triển khai và gần lấp đầy 10 KCN với gần 280 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 5 tỷ USD và tạo việc làm cho trên 97.000 lao động và hằng năm đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 80 triệu USD. 

Thực tế cho thấy việc phát triển các KCN mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó có việc quản lý, kiểm soát môi trường rất tốt. Tất cả các KCN đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc môi trường tự động. 

Tuy nhiện quy trình, thủ tục xin quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư tại các KCN rất dài. Nhất là từ 1.1.2019, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thì việc thực hiện quy hoạch các KCN gặp khó khăn do phải chờ tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. Trong khi các KCN hiện có đang dần được lấp đầy thì tình trạng này kéo dài sẽ khiến việc phát triển kinh tế-xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn. Đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương có giải pháp tháo gỡ để việc thực hiện quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để phát triển các KCN thuận lợi hơn. 

Hiện nay tại các KCN có khoảng 97.000 lao động, dự kiến 2020 là 140.000 lao động và đến 2030 là 248.000 lao động. Vì vậy nhu cầu nhà rất cao. Hiện mới có các nhà chung cư, thực tế không phù hợp nhu cầu công nhân trong các KCN . Hiện một số KCN đều bố trí đất để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng tại một số nơi không có hoặc rất ít người thuê. Cần nghiên cứu bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại giá rẻ để bán cho người thu nhập thấp.

Thảo luận tại hội trường, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Lê Quang Thụ đề nghị tỉnh cần quan tâm cơ chế hỗ trợ đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao từ nguồn ngân sách của tỉnh để tạo động lực, khuyến khích cho các địa phương thực hiện.


Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Lê Quang Thụ đề nghị tỉnh cần quan tâm cơ chế hỗ trợ đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao

Ông Thụ cho biết thêm tại huyện Nam Sách, nhà đầu tư đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng khu dân cư Quốc Tuấn - Thanh Quang và được phép nghiệm thu. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch, hoàn thiện việc bàn giao cho huyện quản lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quản lý hạ tầng giao thông, xử lý nước thải... Đề nghị tỉnh có hướng dẫn tháo gỡ.

Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết việc sắp xếp biên chế ở cấp huyện hiện nay gặp một số khó khăn. Theo quy định luân chuyển cán bộ, những cán bộ cấp huyện được luân chuyển xuống xã phải giữ nguyên chế độ gồm lương, phụ cấp... như khi trước khi luân chuyển. 

UBND huyện Nam Sách hiện có 75 biên chế và đã luân chuyển xuống xã 3 người. Theo quy định, UBND huyện không được bổ sung biên chế để chờ những cán bộ khi hết thời gian luân chuyển. Khi luân chuyển cán bộ xã lên huyện cũng gặp khó vì liên quan đến vị trí việc làm, đưa về biên chế cấp huyện, không còn biên chế xã nữa. Như vậy, UBND huyện phải chịu cả 2 loại biên chế.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết cử cán bộ phòng ban chuyên môn của huyện ra bộ phận một cửa để giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Đến nay, huyện không còn hồ sơ nợ đọng, thời gian trả hồ sơ cho người dân đúng hẹn. 

Tuy nhiên, ngành thuế lại chưa có người ra làm việc ở bộ phận 1 cửa của huyện. Do đó, người dân và doanh nghiệp nộp thuế vẫn phải lên cơ quan thuế, khai thông tin lại từ đầu, mất thời gian. Sau khi làm việc với Chi cục thuế huyện Nam Sách, đơn vị trả lời phải xin ý kiến của Cục thuế tỉnh, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Ông Thụ đề nghị ngành thuế cử người ra bộ phận một cửa của huyện để tích hợp thông tin, tránh để người dân phải đi lại.


Đại biểu Thích Thanh Vân (Gia Lộc) đề nghị TP Hải Dương cần tiếp tục quan tâm việc xây dựng cảnh quan môi trường theo tiêu chí đô thị văn minh, xanh, sạch đẹp

Đại biểu Thích Thanh Vân (Gia Lộc) đề nghị TP Hải Dương cần tiếp tục quan tâm việc xây dựng cảnh quan môi trường theo tiêu chí đô thị văn minh, xanh, sạch đẹp. Giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, tránh tình trạng vừa làm đã hỏng. Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cho các xã, phường đã sáp nhập để bảo đảm tiêu chí đô thị loại I. Lựa chọn các tuyến đường phố để đặt tên các vị danh nhân, trong đó có những vị cao tăng Phật giáo như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Không, Tuệ Nhẫn...

Đại biểu Vân cũng đề nghị tỉnh thường xuyên rà soát hiện trạng tu bổ các khu di tích trong đó có việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, bảo vệ cổ vật để phát huy tác dụng của các di tích lịch sử, văn hóa. Tăng cường công tác quản lý hoạt động tôn giáo bằng việc bồi dưỡng tín ngưỡng, tôn giáo cho các chức sắc, tín đồ, những người làm quản lý tôn giáo, mở các lớp tu mùa hè tạo sân chơi bổ ích cho các thanh, thiếu niên.

Đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, người nghèo, người thu nhập thấp.

Đại biểu Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy Hải Dương nêu một số hạn chế trong việc phối hợp giữa các sở, ngành với địa phương.


Đại biểu Lê Đình Long (TP Hải Dương) đề nghị cần có quy chế phối hợp giữa sở, ban, ngành liên quan với địa phương để thực hiện công việc tốt hơn

Đại biểu Long dẫn 2 ví dụ rất điển hình. Thứ nhất, cách đây 2 ngày, TP Hải Dương mời Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp việc cấp phép lắp đặt biển quảng cáo cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương.

Hiện nay, việc cấp phép biển quảng cáo do Sở VHTTDL thực hiện với thủ tục hành chính qua Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh trong thời gian 5 ngày.

Đại biểu Long cho biết với số lượng nhân lực có hạn, Sở VHTTDL làm không xuể, dẫn đến các biển quảng cáo, biển của nhà dân sai kích cỡ, nội dung không bảo đảm, dẫn đến nhếch nhác bộ mặt đô thị. Sau cuộc họp, các bên đã thống nhất để UBND TP Hải Dương phối hợp với Sở VHTTDL về nội dung cấp phép.

Sau 48 giờ, UBND TP Hải Dương sẽ trả lời nội dung, kích thước quảng cáo có bảo đảm hay không, qua đó giúp người người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn.


Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Việc thứ 2, liên quan đến việc cấp phép cho Công ty TNHH Dịch vụ VT&TM Tiến Nam tổ chức Hội chợ thương mại Hải Dương 2019, đại biểu Lê Đình Long biết khi cấp phép, Sở Công thương chỉ nói chung chung tổ chức trên đường Tôn Đức Thắng chứ không biết ở vị trí nào nên doanh nghiệp tổ chức bày bán tràn lan, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị thành phố. "Hội chợ chủ yếu tổ chức ca nhạc, bán hàng kém chất lượng, gây bức xúc trong nhân dân", đại biểu Long nói.

Qua hai việc cụ thể trên, đại biểu Long đề nghị cần có quy chế phối hợp giữa sở, ban, ngành liên quan với địa phương để thực hiện cho tốt hơn.

Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long cho biết thời gian tới, TP Hải Dương sẽ tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng TP Hải Dương mở rộng đạt đô thị loại 1 đồng thời tổ chức lễ hội đường phố.

Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm 215 năm khởi lập Thành Đông và 65 năm giải phóng TP Hải Dương. TP Hải Dương cũng sẽ tập trung thực hiện cao điểm chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố. Trong đó, cải tạo các nút giao thông, xử lý, chấn trỉnh trật tự công cộng.


Đại biểu  Phạm Thị Thanh Tâm (Bình Giang) đề nghị cần phải phân hóa rõ những đối tượng nghèo tuổi cao và nghèo nhưng còn sức lao động để có biện pháp hỗ trợ phù hợp

Đại biểu  Phạm Thị Thanh Tâm (Bình Giang) cho rằng việc phòng, chống dịch bệnh tả châu Phi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, theo kịp diễn biến dịch. Đại biểu đề nghị tỉnh, các địa phương tiếp tục có những biến pháp quyết liệt để phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, khôi phục chăn nuôi sau dịch.

Thời gian tới Hội Nông dân tỉnh phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt. Tỉnh cần đánh giá tác động  của biến đổi khí hậu cụ thể một số giống để khuyến cáo người dân.

Một trong những nguyên nhân khiến vải mất mùa là do tác động của biến đổi khí hậu. Những hộ  áp dụng kỹ thuật thì cho thu hoạch tốt. Nhưng đối với những hộ mà làm theo kinh nghiệm bị thất thu. Đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm hỗ trợ áp dụng các mô hình khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để người dân đối phó với biến đổi khí hậu.

Thảo luận về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm (Bình Giang) cho biết báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra có tình trạng con cái tách khẩu cho bố mẹ để hưởng chính sách đối với người nghèo.

Đại biểu Tâm đề nghị cần phải phân hóa rõ những đối tượng nghèo tuổi cao và nghèo nhưng còn sức lao động để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. "Không thể chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những đối tượng nghèo đã già cả. Cũng không thể cấp tiền cho những người nghèo mà còn sức lao động. Do đó, việc phân hóa đối tượng để hỗ trợ là rất cần thiế", đại biểu Tâm đề nghị.


Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho biết biện pháp xử lý rác thải bằng cách chôn lấp như hiện nay không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường

Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho biết còn nhiều người dân hiện sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất nông nghiệp giảm 5% so với năm 2018. Bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi lợn. Đại biểu cho biết bệnh dịch chủ yếu rơi vào những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, không bảo đảm vệ sinh phòng dịch.

Vì vậy, sau dịch bệnh lần này, tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn trong chỉ đạo quy mô chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh phòng dịch, khuyến khích chăn nuôi tập trung, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ. Đại biểu đề nghị tỉnh cần hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc định hướng các bộ giống để người dân gieo trồng hiệu quả. 

Đại biểu Đồng Dũng Mạnh phản ánh thực tế hiện nay những xã về sau trong xây dựng nông thôn mới hầu hết là những xã nghèo. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ phù hợp để các xã về đích nông thôn mới. Theo đại biểu, tỉnh đang có phong trào làm đường giao thông nông thôn rất tốt. Để "nuôi" phong trào này cần sự quan tâm, khuyến khích những xã đã về đích và đang về đích để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện tiêu chí hạ tầng.

Vấn đề rác thải nông thôn cũng được đại biểu Đồng Dũng Mạnh nêu ra ở phiên thảo luận. Đại biểu cho biết biện pháp xử lý rác thải bằng cách chôn lấp như hiện nay không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí. Đại biểu tính toán nếu mỗi gia đình 1 ngày thải 500g rác thì mỗi tháng ở 1 xã có 2.000 hộ sẽ thải ra khoảng 40 tấn rác, vì vậy không đủ chỗ để chôn lấp. Đại biểu đề nghị tỉnh sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ hiện đại, không  gây ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không bảo đảm tiêu chí về diện tích và dân số, đại biểu Đồng Dũng Mạnh cho biết huyện Thanh Miện đã lấy ý kiến cử tri, đạt đồng thuận cao. Tuy nhiên, liên quan đến tài sản công, tỉnh sớm có hướng dẫn để kiểm kê, quản lý; giải quyết nợ công trước khi sáp nhập...


Đại biểu Lương Thu Hương (Kinh Môn) đề nghị cần tìm ra nguyên nhân sâu xa, chỉ rõ vướng mắc, nút thắt trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lương Thu Hương (Kinh Môn) đề nghị cần tìm ra nguyên nhân sâu xa, chỉ rõ vướng mắc, nút thắt trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cần rà soát cơ chế, quy trình đã đủ mạnh, bộ máy, con người làm việc.

Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh có giải pháp căn cơ để năm 2019 và những năm tiếp theo nâng cao chỉ số PCI. Cần có giải pháp tăng nhanh số doanh nghiệp, hạn chế doanh nghiệp giải thể, phá sản. Cần nghiên cứu, xây dựng mô hình hoạt động của cơ quan đầu mối các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động.


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Ngọc Long đề nghị cơ quan báo, đài và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng tình ủng hộ xây nhà máy xử lý rác

Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu trong phiên thảo luận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Ngọc Long cho biết mỗi ngày đêm, toàn tỉnh thải ra gần 1.100 tấn rác; trong đó, khu vực đô thị 400 tấn. Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải cao, khu vực nông thôn đạt 76%. Các xã đều có tổ, đội thu gom rác.

Rác thải của TP Hải Dương và một số xã đã được chuyển về nhà máy xử lý ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) và Bình Giang. Các địa phương còn lại vẫn xử lý theo cách chôn lấp. Bãi rác chôn lấp ở hầu hết các địa phương đã đầy, việc chôn lấp không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Hiện nay, tỉnh không có chủ trương hỗ trợ xây dựng các bãi chôn lấp rác tập trung mà lựa chọn công nghệ, xây dựng nhà máy xử lý rác. Ông Long đề nghị cơ quan báo, đài và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng tình ủng hộ xây nhà máy xử lý rác.

Ông Vũ Ngọc Long cho biết chất lượng nước các sông lớn như sông Thái Bình, sông Kinh Thầy... khá tốt nhưng các sông nội đồng bị ô nhiễm. Hệ thống Bắc Hưng Hải qua tỉnh ở cuối nguồn nên phải tiếp nhận nguồn ô nhiễm từ TP Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên nên chất lượng nước ô nhiễm.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, tổng nước xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải 453.000 m3/ngày đêm. Tại các khu công nghiệp, nước thải vào hệ thống tập trung nhưng các khu đô thị, khu dân cư chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh và các địa phương cần quan tâm đầu tư xử lý triệt để. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng của Trung ương đã xử phạt 3 cơ sở vi phạm xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Sở Tài Nguyên và Môi trường đang chờ ý kiến kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các giải pháp quản lý môi trường nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải.

Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Quân cho biết nước sạch nông thôn hiện nay cơ bản được bảo đảm. Việc lấy mẫu, xét nghiệm được thực định kỳ theo đúng quy chuẩn, quy định và công bố công khai ở UBND các xã. 


Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Quân cho biết nước sạch nông thôn hiện nay cơ bản được bảo đảm

Tuy nhiên, một số thời điểm vẫn có tình trạng mẫu nước không đạt chuẩn một số chỉ tiêu. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra 350 mẫu nước, kết quả 14 mẫu nước không đạt một số chỉ tiêu. 

Cơ quan chức năng đã yêu cầu các trạm nước sạch điều chỉnh công tác vận hành, áp dụng kỹ thuật để bảo đảm tiêu chuẩn nước. 

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các nhà máy chuyển đổi nguồn nước từ sông nội đồng ra sông lớn. Đến nay 23 trong tổng số 27 trạm trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi nguồn nước. Còn 4 nhà máy ở Trung Khánh (Gia Lộc), Tiên Động, Hà Thanh, Hà Kỳ (Tứ Kỳ) vẫn còn lấy nước sông nội đồng để xử lý. 

Ở những nơi này, có thời điểm nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ đầu nguồn đổ về. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các công ty chuyển đổi nguồn nước tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện. Sẽ công khai rộng rãi hơn kết quả xét nghiệm nước sạch và số điện thoại để người dân kịp thời phản ánh để cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng nước. 

Năm 2019, toàn tỉnh có 26 xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM), tỉnh đã hỗ trợ 5 tỷ đồng mỗi xã. Đối với những nhà đăng ký xây dựng NTM nâng cao, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, tập huấn. Do kinh phí hạn chế nên tỉnh chưa bố trí kinh phí hỗ trợ.

Việc hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả châu Phi căn cứ vào giá thị trường và những quyết định của Chính phủ. Vì vậy việc hỗ trợ có điều chỉnh các mức khác nhau...

SỸ THẮNG - HOÀNG BIÊN - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
​Thảo luận nhiều vấn đề nóng