Thảo luận nhiều vấn đề dư luận quan tâm

10/10/2018 08:38

Qua tổng hợp từ 4 tổ thảo luận tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVI sáng và chiều 9.10, có 41 lượt ý kiến phát biểu.


Đồng chí Đoàn Việt Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Hải Dương phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung

Hoạt động của BCH Đảng bộ tỉnh; tinh thần tự phê bình và phê bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và chất lượng giáo dục là những vấn đề được thảo luận sôi nổi.

Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Thảo luận về báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng điểm nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới. Một số ý kiến khẳng định các nghị quyết, chủ trương đã có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở như các nghị quyết liên quan đến sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập. Với việc ban hành Đề án 01, Đề án 03 của Tỉnh ủy, nhiều nội dung tỉnh đã chỉ đạo đi trước so với Nghị quyết của Trung ương.

Có ý kiến nhận định công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã sát sao và tích cực hơn nhiệm kỳ trước, đã thực hiện nhiều hơn việc đi kiểm tra tại cơ sở để trực tiếp chỉ đạo và xử lý tại hiện trường. Công tác tiếp xúc, đối thoại của đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp được tăng cường đã được dư luận nhân dân đánh giá cao. Việc gợi ý kiểm điểm hằng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các sở, ngành, địa phương, đơn vị cũng là nét nổi bật trong nửa nhiệm kỳ qua. Trong công tác tôn giáo, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo rất rõ nét, đã thực hiện được nhiều việc có hiệu quả.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng phân tích làm rõ các hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh. Có ý kiến cho rằng hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có dấu hiệu chùng xuống, cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để duy trì tốt kết quả đã đạt được.

Đại biểu cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ đã đến giữa nhiệm kỳ nhưng tỉnh vẫn chưa có điểm nhấn gì nổi bật; có hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”. Cần xem lại nghiêm túc cách lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy. Nhiều công trình, dự án có chủ trương đã lâu nhưng không thực hiện được, đình, giãn, hoãn tiến độ. Trong công tác tổ chức cán bộ, hiện còn thiếu nguồn cán bộ trẻ để quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ cấp huyện, do trong những năm qua không tổ chức thi tuyển công chức cấp huyện. Việc rà soát bổ sung sửa đổi các quy định, quy chế về tổ chức bộ máy, cán bộ còn kéo dài; ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị… Một số ý kiến phân tích các hạn chế trong công tác phát triển đảng viên, chất lượng sinh hoat chi bộ… Đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện các công trình trọng điểm, trong công tác cán bộ... Các ý kiến chủ yếu nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan như do sự phối hợp giữa các ngành trong cải cách hành chính còn yếu, việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức và xử lý cán bộ gây phiền hà cho dân còn chưa nghiêm, một số cán bộ đứng đầu chưa thật sự  trách nhiệm. Trong giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình trọng điểm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo dàn trải, không tập trung nguồn lực để khắc phục. 

Để khắc phục, một số ý kiến đề nghị gắn với mỗi hạn chế, yếu kém và nguyên nhân được chỉ ra phải có nhiệm vụ giải pháp đi kèm, đồng thời cần kiểm điểm lại việc chỉ đạo giữa 2 kỳ họp để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, gắn trách nhiệm đối với các đồng chí cấp ủy trong giải quyết công việc được giao và báo cáo trước BCH.

Nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình

Thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII, một số ý kiến cho rằng vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện thường xuyên việc tự phê bình và phê bình, nhất là việc nhận diện 27 biểu hiện. Kiểm điểm phân loại cuối năm tỷ lệ nhận xếp loại xuất sắc cao, như vậy là chưa thực chất.


Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung

Có đại biểu băn khoăn về chất lượng việc tổ chức các lớp học chính trị vào buổi tối; việc thu tiền học viên khi đi học các lớp chính trị còn bất cập, nhiều trường hợp quá sức với học viên.

Một số ý kiến cho rằng công tác quản lý các hoạt động các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhất là báo điện tử còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Ví dụ khi kêu gọi đầu tư ở một số khu vực, nhà đầu tư mới đi khảo sát nhưng báo đã đưa tin thiếu xây dựng, gây tâm lý không tốt. Đề nghị phải có sự quản lý chặt chẽ các thông tin báo chí, có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Hiện nay, môi trường báo chí rất phức tạp, cấp phép quá nhiều dẫn đến quản lý phóng viên kém; giao sản lượng cho các phóng viên làm quảng cáo, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương

Quan tâm đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ

Về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", có ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá phương pháp dạy ngoại ngữ đối với từng bậc học cụ thể cho phù hợp.

Có ý kiến đề nghị đối với bậc học phổ thông, nên quan tâm thêm học ngoại ngữ và tin học cho đồng bộ và có tính hệ thống từ thấp lên cao. Hiện nay, chương trình ngoại ngữ không đồng bộ giữa các cấp dẫn đến lãng phí lớn.

Một số ý kiến cho rằng sự phối hợp giữa giáo dục đào tạo với MTTQ, các đoàn thể chưa được chặt chẽ; mới đánh giá công tác hướng nghiệp, cần có đánh giá tổng thể về mô hình giáo dục cộng đồng để đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Có ý kiến cho rằng hiện nay áp lực học hành, thi cử vẫn rất lớn; nội dung chương trình nặng về kiến thức, giáo dục kỹ năng dù có cố gắng nhưng chưa cân đối.

 Có ý kiến tham gia về hạn chế công trình vệ sinh trong trường học, đề nghị cần có cơ chế xã hội hóa phù hợp để đảm bảo thể chất cho học sinh; tình trạng dạy thêm, học thêm, thu ngoài quy định vẫn gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành để sắp xếp đáp ứng nhu cầu thực tiễn; tỉnh có cơ chế khuyến khích xã hội hóa các cơ sở giáo dục đào tạo (tư thục, trường mầm non tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư…), tăng tự chủ đối với cơ sở giáo dục để giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước

Có ý kiến cho rằng cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới về cơ chế về tự chủ tài chính; cần tăng cường bố trí cơ sở vật chất, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phải có đổi mới về cơ chế tài chính; quan tâm sắp xếp giáo viên trong ngành giáo dục, phân cấp phải gắn với trách nhiệm.

Có ý kiến đề nghị Trung ương ban hành những chính sách gắn kết giữa cơ sở đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp; quan tâm đến sách giáo khoa, hiện nay học sinh đang thiếu sách giáo khoa, nhất là cấp 1. Thực hiện xã hội hóa trong đầu tư giáo dục, cần huy động nguồn lực cho giáo dục…

Ngày 10.10, Hội nghị tiếp tục thảo luận tổ, thảo luận tại hội trưòng và bế mạc.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảo luận nhiều vấn đề dư luận quan tâm