Thảo luận các dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân

06/11/2014 16:19

Sáng 6-11, Quốc hội (QH) đã nghe tờ trình và thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.



Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN


Quy định các chức vụ có trần quân hàm cấp tướng


Thảo luận về quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng tại dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị cân nhắc không quy định cụ thể mà để văn bản pháp luật khác quy  định.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho biết: “Có ý kiến đề nghị cân nhắc trần quân hàm đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng vì về mặt nhà nước, Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng Quốc phòng”.

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: Dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm đại tướng bằng Bộ trưởng Quốc phòng là kế thừa Luật Sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật Sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình”, ông Khoa nói. Như vậy, theo dự án luật này, Quân đội sẽ có tối đa 3 vị trí được phong cấp hàm đại tướng.

Vẫn theo ông Khoa, TP Hà Nội có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh rất quan trọng với vai trò là Thủ đô của cả nước. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cơ bản kế thừa nhiệm vụ và các đơn vị thuộc Quân khu Thủ đô trước đây. TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh quan trọng trong thế trận phòng thủ đất nước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Quốc hội quy định trần quân hàm trung tướng đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh. "Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là đại tá”, ông Khoa nói.

Về quy định trần quân hàm trung tướng đối với hệ thống các nhà trường của quân đội, Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ việc quy định trần quân hàm của Giám đốc, Hiệu trưởng, Chính ủy học viện, trường sĩ quan cần căn cứ vào vị trí, vai trò, quy mô, trình độ, đối tượng đào tạo và tương quan với Học viện Quốc phòng. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ trần quân hàm trung tướng đối với Giám đốc, Chính ủy: Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y; Hiệu trưởng, Chính ủy các trường: Sĩ quan Lục quân I, Sĩ quan Lục quân II, Sĩ quan Chính trị.

Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị tách chính sách tiền lương khỏi cấp bậc, quân hàm “để quá trình phong cấp hàm mới không liên quan và tránh chạy chức, chạy quyền”. Đại biểu Phương cũng đề nghị QH cân nhắc về chính sách để sĩ quan quân đội được hỗ trợ về nhà ở vì khi nếu luật quy định, sĩ quan có quyền đòi hỏi trong khi ngân sách không đáp ứng được yêu cầu này. Theo đại biểu Phương, chỉ nên quy định với các trường hợp sĩ quan quân đội khi chuyển đến địa bàn khó khăn, biển đảo... thì gia đình được xét phụ cấp, hỗ trợ về nhà ở.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, việc phong tướng quá nhiều khiến dư luận không đồng tình. “Chúng tôi cần có sự giải thích hợp lý cho vấn đề này. Trước đây, chúng tôi thấy chức vụ thiếu tá đã là ghê lắm nhưng bây giờ tướng rất nhiều. Người dân cũng không đồng tình khi ở cấp quận thôi cũng phổ biến hàm đại tá”. Theo đại biểu Thuyền, để giải quyết chính sách thì nên tách lương khỏi quân hàm. “Có người không được phong quân hàm thì được tăng lương. Làm thế, chúng ta sẽ giảm được số lượng cấp tướng về sau. Cứ như hiện nay, trong quân đội, làm kinh tế mà phong tướng cũng không ổn lắm. Tướng là phải tác chiến chứ đi sản xuất, kinh doanh mà cũng phong tướng là không hợp lý”, đại biểu Thuyền nói.

Công an nhân dân phải tôn trọng, phục vụ nhân dân

Chiều 6-11, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Các ý kiến tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Có ý kiến đề nghị quy định rõ trong dự thảo nội dung Công an nhân dân phải tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân bởi đây là vấn đề mang tính cốt lõi, chi phối toàn bộ hoạt động của Công an nhân dân.

Các ý kiến tập trung thảo luận tính hợp lý về quân hàm tướng, trần cấp tướng; quy định hàm cấp giữa cấp phó và thủ trưởng đơn vị... Một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo quy định chặt chẽ việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm tướng Công an nhân dân; thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại 7 tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc Trung ương. Đối với đề xuất trong dự thảo về trần quân hàm Giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là thiếu tướng, trong khi nhiều Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chỉ là đại tá, một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý. Bởi Cảnh sát phòng cháy chữa cháy là công việc chuyên môn còn Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm bảo đảm toàn bộ trật tự, an ninh trên địa bàn...

TTXVN-TN-TT


Ngày 7-11, QH thảo luận tại tổ. Buổi sáng, QH thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


(0) Bình luận
Thảo luận các dự thảo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân