Tháo gỡ vướng mắc trong dồn điền, đổi thửa

29/10/2014 03:34

Trong quá trình dồn điền, đổi thửa ở tỉnh ta đã xuất hiện một số khó khăn cần tập trung tháo gỡ để đạt được mục tiêu đề ra.



Dồn điền, đổi thửa sẽ thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế


Nhiều khó khăn

Là xã miền núi nên việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) của Thượng Quận (Kinh Môn) gặp nhiều khó khăn hơn những địa phương khác. Đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có địa hình bán sơn địa, sông ngòi chằng chịt, ruộng đất phân tán ở nhiều khu vực khác nhau, đất xấu, đất đẹp xen kẽ. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Một số hộ, nhất là những hộ đã có vị trí đất canh tác tốt không muốn rũ ra để chia lại vì họ sợ gia đình mình sẽ bốc phải những chỗ ruộng  đi lại khó khăn, khó sản xuất, thiếu nước về mùa khô hay ngập úng về mùa mưa. Không chỉ trong nhân dân mà ngay cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng có 1 bộ phận nghĩ như vậy. Theo kế hoạch, xã Thượng Quận sẽ DĐĐT sau khi nhân dân thu hoạch vụ đông và giao ruộng  trước vụ chiêm xuân 2014-2015. Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và thực hiện.  

Xã Thanh Tùng (Thanh Miện) có 9 trong tổng số 11 đội đã hoàn thành  việc DĐĐT, 2 đội còn lại cũng đang tiến hành và phấn đấu cuối năm nay sẽ hoàn thành. "Hiện nay khó khăn ở xã Thanh Tùng là việc làm hồ sơ, thủ tục để nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh. Theo quy định, chúng tôi phải có dự toán thiết kế thì mới nhận được kinh phí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cán bộ và nhân dân thực hiện các việc trên đồng ruộng mà không xây dựng dự toán thiết kế nên không đáp ứng được yêu cầu của tỉnh. Bên cạnh đó, nếu thuê làm dự toán thiết kế thì chúng tôi lại mất một khoản tiền nên phần hỗ trợ cho nhân dân  sẽ giảm đi", đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết.

Không chỉ ở hai xã Thượng Quận và Thanh Tùng, nhìn chung việc DĐĐT trên địa bàn tỉnh ta đang gặp không ít khó khăn. Việc xây dựng đề án của xã, phương án của thôn còn chậm. Số xã tiến hành DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng chưa nhiều và chủ yếu làm điểm ở quy mô thôn. Nhận thức của một số cán bộ về mục đích, yêu cầu, trình tự các bước DĐĐT chưa đầy đủ. DĐĐT là việc phức tạp, khó khăn, động chạm đến quyền lợi trực tiếp của nhân dân. Do vậy có tình trạng cán bộ ngại va chạm nên việc triển khai chậm, thiếu kiên quyết. Một số hộ trước đây được giao đất ổn định ở vị trí tốt, thuận tiện cho sản xuất nên không muốn DĐĐT lại. Một số thôn, xã có đất ruộng ở nhiều xứ đồng, mặt bằng ruộng đất không đồng đều nên việc lập phương án dồn điền đạt mục tiêu mỗi hộ còn từ 1-2 thửa gặp nhiều khó khăn. Việc đo, phân loại, lập hồ sơ địa chính phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân gặp nhiều khó khăn do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ hạn chế. Kinh phí để chỉnh trang đồng ruộng, DĐĐT lớn, trong khi hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp thấp, gây khó khăn cho việc huy động vốn để thực hiện. Các địa phương còn lúng túng trong việc lập dự toán DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Chia sẻ những kinh nghiệm trong DĐĐT, đồng chí Trần Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (Kinh Môn) cho biết, xã triển khai DĐĐT trước khi thu hoạch lúa chiêm xuân khoảng 1 tháng. Đây là khoảng thời gian người dân rảnh rỗi, xã cũng ít có các cuộc họp. Còn nếu làm vào cuối năm thì người dân và chính quyền xã đều bận. Xã đã chia nhỏ thành các nhóm từ 20-30 gia đình là mẹ con, anh chị em ruột hoặc họ gần để họ tự đổi cho nhau. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên tiên phong trong việc nhận các khu ruộng ở các cánh đồng xấu, xa, nhường cho nhân dân những khu đất tốt. Để đẩy nhanh tiến độ DĐĐT, ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Bạch Đằng còn hỗ trợ mỗi thôn 100 triệu đồng, thưởng cho thôn Trạm Lộ về đích đầu tiên 2,5 triệu đồng và nhiều cá nhân có thành tích tiêu biểu trong DĐĐT.  

Vấn đề quan trọng nhất trong DĐĐT là sự đồng thuận của nhân dân. Nắm bắt được điều này, xã Thanh Tùng coi tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong DĐĐT. Xã đã tổ chức nhiều cuộc họp, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, sau đó là họp với nhân dân để tạo sự nhất trí. Ngoài ra, để khuyến khích nhân dân, xã trích ngân sách thưởng cho mỗi thôn hoàn thành DĐĐT 10 triệu đồng, các thôn cũng trích kinh phí thưởng cho những đội hoàn thành sớm từ 1-5 triệu đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, phấn đấu từ nay đến hết năm, toàn tỉnh có 50% diện tích đất nông nghiệp được DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Các xã cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo, các đoàn thể, tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm cho nhân dân hiểu chủ trương DĐĐT. Đối với những xã chưa hoàn thành DĐĐT, cần tập trung xây dựng đề án để trình UBND huyện phê duyệt. Những nơi không sản xuất vụ đông thì làm trước, những nơi sản xuất vụ đông thì tiến hành sau khi thu hoạch. Đối với những xã đã hoàn thành việc đo, giao ruộng  thì khẩn trương thu thập, hoàn thiện hồ sơ, làm cơ sở chỉnh lý hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT. Các địa phương cần kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, nhất là việc lập và quản lý hồ sơ địa chính tại các xã để làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có điều kiện. Bên cạnh phần hỗ trợ kinh phí của tỉnh, các huyện, thị xã, xã  cần bố trí thêm kinh phí và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, sự đóng góp bằng công lao động của người dân để thực hiện tốt việc DĐĐT. Các địa phương cần tổ chức rút kinh nghiệm từ thôn, xã, tăng cường giao lưu, học hỏi với các nơi khác để có cách làm hay.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ vướng mắc trong dồn điền, đổi thửa