Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công

20/11/2018 15:15

Sau gần 4 năm triển khai, Luật Đầu tư công (ĐTC) đã góp phần lập lại trật tự đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn vốn nhà nước...

Giải quyết những vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công sẽ góp phần khắc phục việc chậm tiến độ của nhiều dự án

Ảnh hưởng đến tiến độ thi công

Một trong những vướng mắc, bất cập lớn nhất của Luật ĐTC là việc xác định vốn trong xây dựng kế hoạch ĐTC trung hạn. Theo quy định, khi xây dựng kế hoạch ĐTC trung hạn phải có danh mục dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và chứng minh khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện. Quy định này nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm nhưng không phù hợp thực tế, khó triển khai. Ông Nguyễn Hữu Y, Trưởng Phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước tỉnh) cho biết đối với những cấp không chủ động ngân sách (xã, huyện), việc chứng minh được nguồn vốn để lập danh mục dự án ĐTC trung hạn rất khó vì nguồn vốn phụ thuộc vào ngân sách cấp trên hoặc tiền thu từ đấu giá chuyển quyền sử dụng đất... Vì vậy, mặc dù kế hoạch ĐTC trung hạn đã được duyệt nhưng quá trình triển khai liên tục thay đổi, bổ sung cho phù hợp với nguồn vốn được bố trí cũng như tính chất các công trình, dự án. Ngoài ra, Luật ĐTC cho phép kéo dài thời hạn thanh toán, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tìm cách kéo dài thời gian bố trí vốn khiến nhà thầu thi công chịu thiệt, dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. 

Theo ông Nguyễn Hải Châu, Trưởng Phòng Kinh tế ngành (Sở Kế hoạch và Đầu tư), một số quy định của Luật ĐTC đã gây khó khăn cho hoạt động đầu tư ở địa phương. Đơn cử như Luật ĐTC chưa quy định cụ thể một dự án có tỷ lệ cấu phần xây dựng bao nhiêu thì được gọi là dự án không có cấu phần xây dựng. Thực tế, một số dự án có cấu phần xây dựng nhỏ như các dự án mua sắm tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin… nếu phải thực hiện đúng các quy trình, thủ tục như một dự án xây dựng sẽ mất nhiều thời gian để hoàn chỉnh thủ tục. Việc phân loại tiêu chí dự án nhóm A của luật cũng chưa phù hợp. Nhiều dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, đầu tư xây dựng trong phạm vi di tích quốc gia đặc biệt thuộc dự án nhóm A nên phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Vì vậy, quy trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án rất phức tạp, qua nhiều cấp quản lý, mất nhiều thời gian. Thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cũng chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nếu theo Luật ĐTC, những dự án sử dụng vốn ngân sách của cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì việc phê duyệt chủ trương đầu tư phải có sự tham gia phê duyệt của cả ba cấp. Điều này phát sinh nhiều thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án...

Cần giới hạn đối tượng, quy mô dự án

Đại diện Kho bạc Nhà nước tỉnh cho rằng do đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật rất rộng và toàn diện khiến các sở, ngành, địa phương khó chủ động, linh hoạt trong ĐTC. Vì vậy, cần giới hạn đối tượng, quy mô, tính chất dự án nào thuộc phạm vi điều chỉnh, dự án nào không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai đầu tư. Đối với dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn dự phòng, tăng thu và kết dư ngân sách địa phương bổ sung cho chi đầu tư phát triển phải có quyết định đầu tư trước ngày 31.10 của năm trước năm kế hoạch là không phù hợp với thực tiễn, cần bổ sung, chỉnh sửa.

Ông Nguyễn Hải Châu cho biết thêm việc giải ngân vốn kế hoạch ĐTC hằng năm trong kế hoạch ĐTC trung hạn cần thay đổi theo hướng: khi kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước và chịu trách nhiệm quyết định chuyển số vốn còn lại chưa giải ngân sang năm sau theo quy định nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động giải ngân vốn đầu tư. Đến ngày 30.4 hằng năm, các bộ, ngành trung ương, địa phương tổng hợp toàn bộ danh mục dự án, số vốn kéo dài sang năm sau gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét. Sau ngày 30.4 hằng năm, nếu các bộ, ngành, địa phương không làm thủ tục kéo dài sang năm sau thì số vốn còn lại chưa giải ngân của năm trước sẽ được thu hồi về ngân sách nhà nước. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn trong bố trí vốn thực hiện một số dự án thuộc đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo hoặc hỗ trợ các gia đình, tổ chức và cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có sử dụng một phần vốn ĐTC nhưng với số vốn hỗ trợ rất thấp, luật cần thay đổi theo hướng: vốn hỗ trợ từ nguồn chi thường xuyên có tính chất đầu tư hoặc vốn ĐTC hỗ trợ dưới 500 triệu đồng cho các dự án trên được thực hiện theo trình tự rút gọn, chỉ lập danh mục dự án và kế hoạch vốn hỗ trợ, không phải lập, trình duyệt quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. 

 VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công