Tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế tư nhân. Bài 2: Chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

24/08/2017 07:25

90% số doanh nghiệp (DN) Hải Dương thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ. Do nhiều nguyên nhân, DN Hải Dương rất khó để lớn mạnh.





Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu nhiều thứ để lớn mạnh

Thiếu đủ thứ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hải Dương hiện có hơn 10.580 DN, vốn đăng ký trung bình của mỗi DN chỉ đạt khoảng 8 tỷ đồng. Thực tế cho thấy các DN nhỏ, siêu nhỏ thiếu quá nhiều thứ để có thể vươn thành DN lớn.

Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hải Dương cho rằng DN nhỏ, siêu nhỏ ở tỉnh ta thiếu về năng lực điều hành, quản trị, nguồn lực, máy móc và thiết bị lạc hậu. Những khó khăn này khiến các DN không thể phát triển nếu không có những chính sách mang tính đột phá.

Nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ có xuất phát điểm là các hộ kinh doanh cá thể. Khi thành lập DN, kinh nghiệm quản lý không có, nguồn vốn hạn hẹp nên việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn chủ DN nhỏ, siêu nhỏ có trình độ từ trung cấp trở xuống, lao động lại không được đào tạo bài bản, dẫn đến chất lượng công việc thấp, sản phẩm khó cạnh tranh. "Điều đáng chú ý là các chủ DN ít được đào tạo về quản trị. Kiến thức kinh tế, pháp luật hạn chế nên thường gặp rủi ro liên quan đến các vấn đề pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh", ông Nghệ nói.

Ông Nguyễn Văn Cảng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khuôn mẫu Nhật Minh (Bình Giang) đánh giá những DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển sau, sản phẩm rất khó chen chân vào thị trường vốn đã bị chi phối bởi những DN lớn. Muốn mở rộng sản xuất, tăng quy mô thì DN nhỏ, siêu nhỏ lại gặp khó khăn về vốn và nguồn lao động. "Hai tháng nay, công ty chúng tôi cho gần 10 kế toán thử việc nhưng không tuyển được trường hợp nào. Nhiều người thử việc vài ngày là tự xin nghỉ vì không đáp ứng được yêu cầu công việc", ông Cảng cho biết. Theo ông Cảng, kể cả những lao động đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nghề nhưng kỹ năng trong công việc hầu như không có. Sau khi tuyển dụng, DN cầm tay chỉ việc từ 3 - 6 tháng thì người lao động mới có thể bắt nhịp được với công việc.

Khó tiếp cận nguồn vốn cũng là bài toán khiến DN nhỏ, siêu nhỏ không thể lớn. Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc DN Thương mại Bình Minh (Kinh Môn) cho biết mặc dù Chính phủ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng cho các DN nhỏ và vừa nhưng rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn do vướng về thủ tục hoặc tài sản thế chấp. Rất ít DN nhỏ, siêu nhỏ có tài sản giá trị cao để thế chấp ngân hàng. Khi nguồn vốn vay không đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì buộc DN phải tìm vốn ở những nguồn khác với lãi suất cao. Chi phí sản xuất tăng dẫn tới giá bán sản phẩm cao cũng làm giảm khả năng cạnh tranh nên DN đã khó càng thêm khó.

Ngại lớn

Nhiều DN nhỏ và vừa lại "không dám lớn". Nguyên nhân do tâm lý sợ bị làm phiền, không muốn gây sự chú ý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. DN càng lớn lại càng bị để ý nhiều.

Cụ thể là khi đó các cuộc thanh tra, kiểm tra của ngành thuế và của các cơ quan hành chính nhà nước diễn ra thường xuyên hơn, dẫn đến chi phí quản trị DN cũng lớn hơn. Bà Bình ví von: “DN giống như cây măng trong bụi tre. Nếu cứ nằm trong đất thì không sao nhưng chỉ cần nhú lên mặt đất là bị để ý”.
Ông Nguyễn Văn Th., Giám đốc Công ty CP H.R Việt Nam (TP Hải Dương) cho biết mặc dù Chính phủ đã có quy định không thanh tra DN quá 1 lần trong năm nhưng thực tế các cuộc thanh tra, kiểm tra vẫn diễn ra nhiều với các hình thức khác nhau. DN rất sợ bị kiểm tra thuế, môi trường, lao động, phòng chống cháy nổ… Nội dung nhiều cuộc kiểm tra còn chồng chéo, ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian hoạt động và chi phí sản xuất, kinh doanh.

Ngoài nguyên nhân nội tại của DN, những cơ chế, chính sách không phù hợp cũng khiến DN nhỏ và vừa "khó lớn". Bà Nguyễn Ngọc Lan, đại diện VCCI Hải Phòng cho rằng thời gian qua Hải Dương chưa thực sự quan tâm đến các DN nhỏ và siêu nhỏ. Những DN này chiếm số lượng lớn nhưng lại đang gặp nhiều bất lợi. “Có tới 67% số DN nhỏ, siêu nhỏ của Hải Dương khẳng định không được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến các chính sách của tỉnh. Trong khi đó chỉ có hơn 30% số DN lớn của tỉnh trả lời như vậy”, bà Lan lấy ví dụ.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế tư nhân. Bài 2: Chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ