Từ chỗ chỉ đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp, nông nghiệp Hải Dương đã có nhiều bứt phá, tạo dấu ấn đậm nét trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng 120.000 ha/năm đã bảo đảm an ninh lương thực
và tạo ra nguồn thu nhập cho người dân
Cơ cấu ngành chuyển dịch mạnh mẽ20 năm qua, Hải Dương đã khai thác lợi thế đặc thù về trồng trọt, chăn nuôi cùng tập quán canh tác của từng địa phương để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp. Nếu như năm 1997, tỷ trọng giữa các ngành là trồng trọt 73,7%- chăn nuôi 24,9% - dịch vụ 1,4% thì đến năm 2016 đã có sự thay đổi rõ nét là 60,3%-33,4%-6,3%. Năm 1997, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 21,5 triệu đồng/ha thì đến năm 2016 con số này đã đạt 136,3 triệu đồng/ha, tăng hơn 6,3 lần.
Trong nội bộ các ngành cũng có sự chuyển dịch để phù hợp với yêu cầu sản xuất mới. Ở lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng của tỉnh có chuyển biến tích cực, từ chỗ độc canh cây lúa sang đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc thay thế các giống cây có năng suất, chất lượng thấp sang những loại giống mới cho hiệu quả cao, nhất là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Do vậy, trong suốt thời gian dài, mặc dù thời tiết diễn biến theo chiều hướng bất lợi nhưng giá trị sản xuất ngành trồng trọt vẫn tăng khoảng 2%/năm. Diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng 120.000 ha/năm không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn tạo ra nguồn thu nhập cho người dân khi đáp ứng được yêu cầu của thị trường với các giống lúa chất lượng, năng suất. Mặc dù diện tích cây vụ đông giảm từ 33.000 ha (năm 1997) xuống còn khoảng 22.000 ha (năm 2016) nhưng giá trị sản xuất lại tăng lên. Nguyên nhân do cơ cấu cây trồng có nhiều thay đổi, những loại cây truyền thống như ngô, khoai lang... cho hiệu quả thấp được thay bằng su hào, bắp cải, hành tỏi, cà rốt... Các vùng chuyên canh rau màu, cây thực phẩm cho giá trị kinh tế cao tiếp tục được duy trì và mở rộng như củ đậu Kim Thành; hành, tỏi Kinh Môn, Nam Sách; cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách... Các loại cây lâu năm phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như ổi Thanh Hà, Ninh Giang; vải Thanh Hà, thị xã Chí Linh, na thị xã Chí Linh, chuối Thanh Hà, Tứ Kỳ. Bên cạnh đó, nhiều loại cây ăn quả mới như cam, thanh long... cũng được đưa vào trồng thử nghiệm và cho kết quả khả quan.
Hải Dương đã ban hành nhiều chính sách làm đòn bẩy, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Là ngành phải chịu áp lực lớn về thị trường, dịch bệnh nên nhiều năm trước, giá trị sản xuất của chăn nuôi không ổn định, số lượng đàn trâu, bò... có xu hướng giảm. Những năm gần đây, các cơ sở chăn nuôi được định hướng phát triển theo quy mô lớn với quy trình sản xuất đồng bộ, giúp giảm chi phí đầu vào và tạo thuận lợi phòng ngừa bệnh dịch. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 3%/năm.
Ngành thủy sản tiếp tục phát triển toàn diện cả về diện tích và sản lượng. Năm 2016, diện tích nuôi thủy sản khoảng 11.000 ha với sản lượng ước đạt khoảng 67.500 tấn, tăng 82% so với năm 1997. Nhiều loại thủy sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như cá rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, ba ba... được bổ sung vào cơ cấu giống. Điểm khác biệt so với thời kỳ đầu tái lập tỉnh là người dân còn tận dụng diện tích mặt nước tại các sông ngoài để nuôi cá lồng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.100 lồng nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi cá truyền thống.
Hướng tới sản xuất hàng hóa, sản xuất sạchDồn điền, đổi thửa đã tạo ra cuộc cách mạng trên đồng ruộng, phần nào đổi mới tư duy, nếp nghĩ của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Những mô hình sản xuất hàng hóa, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa dần được hình thành, thay thế tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ trước kia. Tích tụ ruộng đất là điều kiện để hướng tới sản xuất hàng hóa nên nhiều nông dân ở Cẩm Giàng, Thanh Miện, Ninh Giang... đã mạnh dạn trao đổi, thuê đất để mở rộng sản xuất, đưa cơ giới vào đồng ruộng.
Những năm qua, tỉnh tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, quan tâm tới sản xuất sạch bằng việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Nhiều mô hình sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP được xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả. Vải thiều Hải Dương khi áp dụng mô hình sản xuất sạch không những khai thông được thị trường truyền thống mà còn tiếp cận được các thị trường khó tính, tiềm năng khác như Mỹ, Úc, EU... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 110 ha vải đạt tiêu chuẩn VietGAP và 10 ha theo tiêu chuẩn Global GAP. Sản xuất sạch là tiền đề và điều kiện để hình thành những chuỗi giá trị, gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Hiện nay, nhiều mô hình liên kết sản xuất sạch đang được thực hiện tại Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Miện... Tỉnh phấn đấu mỗi năm xây dựng 1.000 ha rau màu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mặc dù việc thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP trong chăn nuôi còn ít nhưng phần nào cho thấy nông dân đã quan tâm tới sản xuất sạch. Toàn tỉnh có 2 trang trại, 450 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhiều vùng nuôi thủy sản tại Cẩm Giàng, Ninh Giang, Tứ Kỳ... cũng áp dụng những biện pháp kỹ thuật của VietGAP vào sản xuất.
PV