Chiến dịch thanh tra lao động ngành may mặc năm nay được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố trong đó có Hải Dương diễn ra từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 9-2015.
Sáng 30-6, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức hội thảo triển khai chiến dịch thanh tra lao động (TTLĐ) trong ngành may mặc. Tham gia hội thảo có đại diện của một số sở, ngành liên quan và 60 chủ sử dụng lao động cùng cán bộ công đoàn tại 30 doanh nghiệp may mặc trong tỉnh.
Tại buổi hội thảo, Thanh tra Bộ LĐTBXH trình bày các nội dung trong chiến dịch TTLĐ ngành may mặc như: thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền công, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đường nội bộ và lối thoát hiểm, rủi ro điện, môi trường lao động tại nơi làm việc, kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đại diện chủ sử dụng lao động và cán bộ công đoàn của một số doanh nghiệp tham dự đã đặt các câu hỏi với Thanh tra Bộ LĐTBXH về việc chi trả tiền lương cho người lao động khi hoán đổi ngày nghỉ vào các dịp lễ, Tết; có cần thiết phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động nước ngoài khi họ đã có thẻ bảo hiểm có giá trị quốc tế; tiền lương làm thêm giờ hoặc hoán đổi thời gian làm việc vào ban đêm được tính như thế nào; người thử việc có được hưởng phụ cấp tiền lương theo tính chất công việc nặng nhọc, độc hại không...
Chiến dịch thanh tra lao động ngành may mặc năm nay được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố trong đó có Hải Dương diễn ra từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 9-2015. Hải Dương thuộc nhóm các tỉnh có số lượng doanh nghiệp may mặc lớn nên sẽ tiến hành thanh tra 20 doanh nghiệp có dưới 1.000 lao động, chưa được thanh tra, kiểm tra trong thời gian tối thiểu 1 năm, không tham gia chương trình Betterwork (việc làm tốt hơn) và chương trình khoanh vùng rủi ro.
PV