Thời gian tới sẽ triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Phó Thống đốc Nguyễn Kinh Anh phát biểu tại Hội nghị
Mục tiêu về tài chính toàn diện của Việt Nam được xác định là "mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức tài chính được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững."
Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân cũng là mục tiêu được đặt ra tại kỳ triển lãm Banking Vietnam 2019 do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG) tổ chức ngày 30.5 tại Hà Nội.
Năm thành công thanh toán điện tử
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, năm 2018 đã đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...
Các đại biểu cũng cho rằng, trong xu thế phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt, các ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt và chú trọng phát triển các dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hoạt động ngân hàng theo hướng ngân hàng số, lấy khách hàng làm trung tâm tạo cơ hội, khả năng cho các ngân hàng Việt Nam cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích, cá nhân hóa với giá cả dịch vụ hợp lý để tiến tới mô hình quản trị thông minh.
Dẫn chứng cho vấn đề này, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã mở rộng và hợp tác liên kết với nhiều công ty viễn thông để từ song hành cùng các công ty viễn thông cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất, bao gồm từ những dịch vụ thanh toán đơn giản như thanh toán tiền điện, tiền nước… hay phức tạp hơn như đầu tư tài chính.
Cũng theo bà Yến, các công ty viễn thông tham gia vào thanh toán là xu thế tất yếu vì mạng lưới thông tin của các công ty viễn thông rất rộng và đầy đủ, do đó họ hoàn toàn cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là dịch vụ tài chính toàn diện cho người dân.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý, thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn tới cần chú ý tới xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, lấy khách hàng làm trung tâm trở nên phổ biến và hành vi người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ từ tương tác giới hạn trong môi trường off-line, gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng sang môi trường giao dịch trực tuyến không gặp mặt, tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng liên tục, mọi lúc, mọi nơi trên nhiều loại thiết bị di động.
"Bối cảnh mới này đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới. Đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để thấu hiểu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý. Tăng cường KYC khách hàng bằng công nghệ tiên tiến, bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng," Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Khách hàng thanh toán trên app của Vietcombank
Chưa tiếp cận được với người dân ở nông thôn
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính ở Việt Nam hiện còn thấp. Một bộ phận người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.
Bà Yến lấy dẫn chứng, hiện chỉ có 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng và ở nông thôn thấp hơn nhiều chỉ khoảng 25%. Đó là tiềm năng nhưng cũng là khó khăn cho các ngân hàng phải vượt qua để tiếp cận dịch vụ vùng nông thôn.
Cũng theo bà Yến, hiện nay người dân tiếp cận dịch vụ thông tin tài chính rất hạn chế, thói quen dùng tiền mặt diễn ra thường xuyên với số lượng và quy mô giao dịch gần 90%. Đây là thói quen của người dân chính vì vậy nên để người dân thay đổi thói quen, tiếp cận dần với các dịch vụ hiện đại.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy tiềm năng cho ngân hàng mở rộng dịch vụ phát triển tới tất cả người dân, các vùng từ thành thị đến nông thôn," bà Yến cho hay.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch LienVietPostBank cũng băn khoăn, chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là giảm thanh toán bằng tiền mặt để gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là làm sao tạo được sự đồng thuận, cộng hưởng giữa ngân hàng, các công ty cổng thanh toán với các đối tác, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Ông Thắng lấy ví dụ, ngân hàng muốn thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân khi trả tiền điện thì ngân hàng phải kết hợp được với ngành điện.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất theo ông Thắng là làm thế nào để tiền mặt của người dân “đi" vào hệ thống thẻ, ví điện tử, vào tài khoản ngân hàng.
Ông Thắng đưa ra ví dụ: Một người ở nông thôn có 20 triệu đồng tiền mặt và 1 cái app ví nhưng nếu ngoài giờ làm việc hoặc xa quá thì ví vẫn rỗng và 20 triệu đồng tiền mặt vẫn phải cầm đi tiêu.
"Muốn thanh toán không dùng tiền mặt thì phải bỏ được tiền vào trong tài khoản dù đó là tài khoản điện tử, ví hay tài khoản thể thì hành lang pháp lý của Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành phải tạo điều kiện giúp cho các ngân hàng, công ty cổng thanh toán một chính sách để 24/7 và bất cứ chỗ nào đều có thể nạp được tiền mặt vào trong điện thoại. Hiện nay phải đến ngân hàng để nộp tiền mặt vào hay phải mở tài khoản mới giao dịch thì làm sao mà phát triển được," ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng đề xuất: "Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng tự chọn và tự xét duyệt cánh tay nối dài của mình đó là các đại lý hỗ trợ nạp tiền mặt vào trong ngân hàng số, vào trong ví và khi cần họ có thể rút ra được. Ở quê, đầu làng một cửa hàng bán lẻ, cuối làng có một cửa hàng bán lẻ để hỗ trợ người dân bất cứ khi nào cũng nộp được tiền và thực hiện gửi tiết kiệm mua sắm online.”
Tại hội thảo, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra các định hướng, giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới như: Chỉ đạo triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ qua đó thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả liên tục, phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư; triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Theo Vietnam+