Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng về xã Thanh Thủy (Thanh Hà) những ngày này chúng tôi đã gặp thương lái xa gần tấp nập về mua quất Tết.
Vườn quất nhà anh Công rực rỡ sắc vàng chuẩn bị đón Tết
Anh Nguyễn Văn Công chủ một vườn quất ở thôn Lại Xá 2 hồ hởi khoe: "Năm nay tuy thời tiết khắc nghiệt, thay đổi thất thường nhưng quất vẫn đẹp". Gia đình anh Công trồng khoảng 700 cây quất cảnh để phục vụ dịp Tết. Trước đây, gia đình anh trồng vải thiều, nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên anh đã thay thế cây vải bằng cây quất. Anh không trồng quất để lấy quả như nhiều hộ ở xã Cẩm Chế mà trồng quất cảnh. Theo anh Công, trồng quất cảnh là một nghệ thuật mà người trồng luôn luôn phải cẩn thận, từ khâu chọn gốc, tạo tán, uốn cành, cắt tỉa rồi tưới nước, bón phân. Khó nhất vẫn là khâu phòng chống sâu bệnh. Cây quất hay bị sâu đục thân, đục cành nên trong quá trình trồng phải chăm sóc kỹ. Anh Công cho biết xu hướng người tiêu dùng hiện nay không chỉ chuộng những cây quất cảnh có thế hình mâm xôi, hình tháp... mà còn muốn cây quất trông tự nhiên, miễn sao cây xanh tốt, vừa có quả vàng, quả xanh và đâm chồi, nảy lộc là sẽ bán nhanh. Đến thời điểm này, vườn quất Tết của nhà anh Công đã được các thương lái trong và ngoài huyện đến mua, đặt trước với số lượng lớn, giá dao động từ 280.000-500.000 đồng/cây, cao hơn năm ngoái khoảng 50.000-100.000 đồng/cây. Giá quất đắt là do thời tiết năm nay không thuận lợi, nhiều người chưa có kinh nghiệm trồng quất Tết nên bị hỏng cây. Bình quân mỗi năm gia đình anh Công thu nhập 60-70 triệu đồng từ vườn quất Tết.
Gia đình bà Nguyễn Thị Ngoan cũng ở thôn Lại Xá 2 là một trong những hộ đầu tiên trong xã gắn bó lâu dài với cây quất Tết. Đến nay nhà bà Ngoan đã có 20 năm kinh nghiệm làm quất Tết. Bà Ngoan cho biết cây quất cho lãi gấp 10 lần cây vải. "Chưa năm nào nhà tôi bị lỗ, không lãi nhiều thì ít", bà Ngoan phấn khởi nói. Để có được cây quất đẹp chơi Tết, bà Ngoan không mua gốc cây một cách ồ ạt. Khi đi gom cây quất ở những nơi khác, bà chọn rất kỹ. Với bà, cây quất đẹp trước hết phải khỏe, có thế. Thay vì những công việc vất vả khác, vợ chồng bà Ngoan thong thả chăm sóc vườn quất Tết với khoảng 700 cây. Bà Ngoan chia sẻ: "Làm quất Tết như chăm sóc con mọn. Hầu như ngày nào cũng ở vườn, nhưng năm nào cũng thu được quả ngọt". Thời điểm này, thương lái đã đặt mua khoảng 30% số quất trong vườn. Chỉ sang đầu tháng chạp là khách các nơi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và các huyện trong tỉnh đến mua nhộn nhịp.
Theo ông Phạm Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, mấy năm trở lại đây người dân có xu hướng chơi Tết sớm hơn. Họ mua sắm trước Tết cả tháng trời. Cây quất thường chơi được lâu nên thời điểm này đã đông người đến mua lẻ. Xã Thanh Thủy có hơn 3 ha quất cảnh phục vụ Tết, nhiều nhất huyện Thanh Hà, tăng hơn 1 ha so với năm ngoái. Ở xã hiện có nhiều người muốn chuyển sang trồng cây quất Tết nhưng không có đất để trồng. Trước khi bán, người dân đã ngưng phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 1 tháng để bảo đảm an toàn cho người dùng. Ông Khanh cho biết: "Tuy diện tích không nhiều nhưng mỗi năm xã Thanh Thủy cung cấp cho thị trường hàng vạn cây quất chơi Tết. Do đất đai ở đây màu mỡ nên cây quất vừa đẹp, vừa tràn đầy sức sống, thu hút được khách mua trong dịp Tết đến xuân về".
MINH NGUYỆT