Những ngày này, người dân xã Thanh Quang (Thanh Hà) đang tập trung chăm sóc cây vải thiều sớm với hy vọng vải năm nay được mùa, được giá.
Sản lượng vải sớm của xã Thanh Quang năm nay ước tính đạt khoảng 6.000 tấn, tăng 2.000 tấn so với năm ngoái
Vùng vải thiều sớm lớn nhất huyện
Sau khi sáp nhập xã, Thanh Quang là nơi có diện tích vải thiều sớm lớn nhất huyện Thanh Hà, với hơn 500 ha. Chỉ còn gần 1 tháng nữa, trà vải thiều sớm nhất là u trứng trắng sẽ cho thu hoạch. Còn lại các trà vải u hồng, u gai và tàu lai cũng sẽ cho thu hoạch lần lượt ngay sau trà vải u trứng. Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn so với năm ngoái nên dự kiến sản lượng vải sẽ cao hơn.
Nhà bà Bùi Thị Hồng ở thôn Nhân Hiền trồng 7 sào vải, chủ yếu là u hồng. “Năm ngoái, thời tiết nói chung không thuận nên năng suất vải thấp, nhưng năm nay dự báo năng suất cao hơn. Đến thời điểm này, tôi thấy vải gần như không còn rụng quả sinh lý nữa. Theo kinh nghiệm của tôi thì khả năng mỗi sào sẽ thu được khoảng 1 tấn quả”, bà Hồng nói.
Đến thời điểm này, các cây vải của nông dân xã Thanh Quang đều được cắt tỉa gọn gàng ở tầm thấp, tạo không gian thoáng đãng và dễ thu hoạch. Thời gian qua, do mưa nhiều, trời âm u, thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển trên vải nên nông dân đang tập trung phun thuốc trừ sâu đục thân và nấm quả. Đến nay, toàn bộ diện tích vải của Thanh Quang đã được chăm sóc theo quy trình VietGAP, trong đó có khoảng 50 ha vải đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Australia, EU. Năm nay, xã Thanh Quang đăng ký thêm gần 40 ha vải ở các thôn Phù Tinh, Ngọc Điểm và Đồng Ngành xuất khẩu đi Nhật Bản. Người trồng vải đã được tập huấn các quy trình sản xuất, được hướng dẫn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm, tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong quy trình chăm sóc để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản. Những hộ có diện tích vải để xuất khẩu cũng ghi chép nhật ký chăm sóc đầy đủ để theo dõi tình hình phát triển của vải, từ đó có phương pháp chăm bón phù hợp.
Năm nay, vải thiều sớm ở đây ra quả đều hơn và dày hơn năm ngoái. Theo UBND xã Thanh Quang, dự kiến vải sớm sẽ đạt sản lượng khoảng 6.000 tấn, tăng 2.000 tấn so với năm ngoái.
Chủ động tìm khách hàng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay UBND xã Thanh Quang đã giao 3 HTX Dịch vụ nông nghiệp là Thanh Bính, Hợp Đức, Trường Thành chủ động tìm đầu ra cho quả vải. Hiện đã có Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Hà Nội) và một số thương lái về tìm hiểu, hứa hẹn sẽ thu mua vải.
Tổ liên kết sản xuất vải thiều sớm ở Thanh Quang cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều sớm thuận lợi. Bà Lê Thị Anh, Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết: “Tổ có 16 hộ tham gia, cùng trao đổi kinh nghiệm làm vườn, tìm đầu ra cho quả vải. Các thành viên trong tổ sẽ giám sát chéo nhau. Nếu hộ nào không bảo đảm yêu cầu trong sản xuất hoặc lúc thu hoạch không đủ thời gian cách ly sau khi dùng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được yêu cầu dừng bán. Tổ cũng chủ động điều phối việc thu hoạch để vừa bảo đảm sản lượng bán, vừa bán vải được giá cao”. Những năm trước, tổ liên kết đã kết nối với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) thu mua từ 30-40 tấn vải xuất khẩu sang Australia. Năm nay, tổ sẽ tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp quen và mời các đơn vị mới đến tham quan, quảng bá sản phẩm.
Ông Đồng Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết những năm trước vải thiều sớm của xã tiêu thụ khoảng 50% ở thị trường Trung Quốc, nhưng năm nay sẽ tập trung khai thác thị trường trong nước thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, nhất là ở thị trường miền Nam nhằm khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
MINH NGUYỆT