Mùng 6 tháng Giêng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu tấp nập, khởi đầu một năm mới tràn đầy hy vọng.
Đắt hàng vì giá ổn định
Sáng 5-2 (mùng 6 Tết Giáp Ngọ), sau những ngày nắng, trời bắt đầu se lạnh, mưa phùn bắt đầu giăng. Trên khắp các nẻo đường, hương vị Tết vẫn còn vương vấn trên màu cờ đỏ treo trước mỗi hiên nhà, trong sắc hoa đào tươi thắm và trên những gương mặt rạng rỡ sau những ngày sum họp với gia đình. Mùng 6 Tết được nhiều người chọn làm ngày đi làm đầu tiên trong năm mới. TP Hải Dương bắt đầu bước vào một năm sản xuất, kinh doanh trong không khí tràn ngập sức xuân như thế.
Tiểu thương chợ Hội Đô khai trương cửa hàng đầu xuân mới
9 giờ sáng, các tiểu thương tại chợ Hội Đô bắt đầu mở gian hàng, quét dọn, trưng bày và làm thủ tục tâm linh, cầu mong cho một năm nhiều may mắn. Hơn 200 tiểu thương là nạn nhân của vụ cháy Trung tâm Thương mại đã được bố trí gian hàng tại khu chợ này. Đây là ngày đầu tiên họ bán hàng ở đây. Chị Ngô Thị Kim Thoa, chủ gian hàng bán túi, ví, một trong những người dọn hàng đầu tiên vui vẻ cho biết: “Sau mấy tháng phải ở nhà vì chưa có chỗ bán hàng ổn định, hôm nay tôi mới mở hàng trở lại. Vui lắm, vì được quay trở lại với công việc của mình. Mới mở hàng mà cũng có khách đi đền Bia, đền Sượt ghé vào. Tôi hy vọng năm nay việc kinh doanh sẽ dần hồi phục”. Chuyển đến kinh doanh ở chợ Hội Đô, giống như các tiểu thương khác, chị Thoa được hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, được bốc thăm nhận gian hàng miễn phí trong 5 năm. Với những ưu đãi đó, họ hy vọng sẽ sớm khôi phục được việc kinh doanh, chợ Hội Đô sẽ được đông khách hàng lui tới.
Sau những ngày nghỉ Tết, các khu chợ, hàng quán trong thành phố bắt đầu mở cửa trở lại. Có đông khách hàng lui tới nhất là các quầy bán rau quả, hàng ăn, quán cà phê, còn các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác chủ yếu mở cửa “lấy may”. Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay giá cả các mặt hàng tiêu dùng sau Tết khá ổn định. Vì vậy, việc bán hàng thuận lợi, cả người bán và người mua đều cảm thấy hài lòng. Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương chợ Phú Yên cho biết: “Sáng hôm nay tôi bán được gần 20 nải chuối. Đầu năm bán lấy may, không tăng giá, còn rẻ hơn so với trước Tết nên người mua đông mà không mấy ai mặc cả”.
Đánh thức đồng ruộngTại các vùng ven thành phố, đồng ruộng cũng bắt đầu sôi động. Bà con xuống đồng chuẩn bị cho những chuyến rau vào phiên chợ đầu năm, khẩn trương gieo cấy vụ lúa chiêm xuân. Khi màn sương sớm vẫn còn giăng mắc dày đặc, trên những cánh đồng phường Thạch Khôi, người thu hoạch, người xuống giống trồng rau. Bác Nguyễn Thị Lợi ở thôn Trần Nội, người đã gần 20 năm gắn bó với nghề trồng rau, hồ hởi cho biết: "Năm nào cũng vậy, mùng 4 Tết là gia đình tôi xuống đồng sản xuất. Năm nay thời tiết ấm nắng, gió đông nhiều nên rau màu đầu năm không được giá. Bù lại rau gia vị vẫn được giá nên với hơn 2 sào rau mùi, cần tây, tỏi tây, ngay ngày đầu năm mới gia đình tôi đã thu được gần 10 triệu đồng".
Nông dân phường Ái Quốc (TP Hải Dương) khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông
để gieo cấy lúa chiêm xuân
Mùa xuân này, ngoài niềm vui vì địa phương đã đạt được 15 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Ái Quốc còn phấn khởi vì cuối năm 2013 vừa qua, xã đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận lên phường. Ngay những ngày đầu năm mới, khí thế sản xuất ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của địa phương đã sôi động. Từ ngày mùng 4 Tết, hầu hết bà con nông dân đã ra đồng, bắt kịp thời tiết để bảo đảm thời vụ gieo cấy lúa chiêm xuân. Trên cánh đồng thôn Tiến Đạt, bác Hồ Thị Hoàn cho biết: "Tết năm nay thời tiết ấm áp, sau mấy ngày nghỉ, chúng tôi lại khẩn trương xuống đồng để gieo cấy lúa chiêm xuân cho kịp thời vụ. Theo kinh nghiệm nhiều năm, thời tiết vụ xuân năm nay bước đầu thuận lợi là tín hiệu tốt để nông dân có một vụ lúa bội thu, đời sống no đủ cả năm. Khung thời vụ tốt nhất để gieo cấy là chung quanh ngày lập xuân mùng 5 Tết ".
Sức xuân trong công xưởng7 giờ sáng 5-2, gần 10 nghìn công nhân, lao động (CNLĐ) Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Nam Sách) háo hức vào ca. Khép lại chuỗi thời gian nghỉ Tết Giáp Ngọ, niềm vui như còn đọng lại trong tất cả CNLĐ. “Đã bốn năm gắn bó với công ty, nhưng ngày đầu năm mới đi làm lần nào tôi cũng cảm thấy như phấn chấn. Niềm vui lớn nhất là tôi thấy công ty luôn bảo đảm công việc với mức thu nhập tương xứng cho CNLĐ, năm sau lại cao hơn năm trước”, chị Trần Thị Lê vừa may chiếc áo đầu tiên trong ngày đầu xuân vừa vui vẻ cho biết. Giữa tiếng trống rộn ràng của điệu múa lân, các cán bộ lãnh đạo và Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi đến từng xưởng sản xuất chúc Tết CNLĐ. Ông Phạm Đình Hòa, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Năm nay, công ty sẽ nỗ lực ký kết các hợp đồng sản xuất, bảo đảm đủ việc làm cho CNLĐ với mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng trở lên; đồng thời đưa nhà máy ở khu công nghiệp Lai Vu vào hoạt động, nâng tổng số CNLĐ của toàn công ty lên khoảng 13 nghìn người".
Công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi phấn chấn bước vào ngày làm việc đầu xuân
Trước đó, sáng 4-2, gần 1.700 CNLĐ Công ty May Formostar Việt Nam (khu công nghiệp Nam Sách) cũng đã bắt tay vào một ngày sản xuất đầu xuân mới. Giữa tiếng máy may, tiếng công nhân vào xưởng ồn ào, náo nhiệt, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Trong ngày đầu làm việc chỉ có một số ít công nhân ở xa chưa kịp đến làm, còn lại khoảng 99% số CNLĐ của công ty đã có mặt, bắt tay vào công việc. Với tinh thần làm việc như vậy của người lao động, chắc chắn năm nay công ty sẽ hoàn thành mục tiêu tăng 30% sản lượng so với năm 2013 và bảo đảm thu nhập cho CNLĐ với mức từ 4,5 triệu đồng/tháng trở lên”.
Ngay ngày đầu xuân, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thật sôi nổi và hào hứng, mang lại cho thành phố sức sống mới mẻ và tràn đầy hy vọng vào một năm kinh tế phát triển ổn định, đời sống người lao động được nâng cao hơn nữa.
VIỆT HÒA - HÀ VY - THANH NGA