Nhắc đến Thượng Hải-Thành phố hoa lệ của đất nước Trung Hoa người ta nghĩ đến ngay những khu phố cổ sầm uất với nhiều dịch vụ hấp dẫn...
Khu phố Đông Thượng Hải
Trời xế chiều. Muôn tia nắng vàng hoe còn cố vẫy vùng trên những nóc nhà bê - tông nóng bỏng. Xe đưa chúng tôi vào khu vực trung tâm thành phố Thượng Hải. Nhìn ra hai bên, những tòa cao ốc mọc lên san sát. Sau bữa ăn tối, chúng tôi du ngoạn trên sông Hoàng Phố bằng loại tàu du lịch hai tầng màu trắng sang trọng. Du khách trên tàu chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bờ Đông và bờ Tây thành phố về ban đêm. Đủ các sắc màu những công trình văn hóa như: Tháp truyền hình Minh Châu Đông Phương, tòa nhà Quảng trường Nhân dân, tòa nhà có vương miện, tòa nhà cao nhất Trung Quốc… Mỗi một công trình một kiến trúc riêng biệt không chiếc nào giống chiếc nào, làm nên một không gian lung linh huyền ảo. Du khách như lạc vào một thế giới khác. Tôi hỏi Mai, hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc: "Có phải bài hát Bến Thượng Hải bắt nguồn từ đây phải không?". Mai trả lời: "Vâng". Đúng là đến bến Thượng Hải chẳng thấy bến đâu. Có lẽ từ xa xưa đây là một bến tàu, nhưng nay người ta đã cải tạo xây dựng khu vực này thành trung tâm du lịch, dịch vụ của “thành phố trên biển”. Tôi nhớ tới lời bài hát bến Thượng Hải: Biển sóng dạt dào trùng dương lớp lớp trôi đi về phương nào. Đời như những cơn sóng đùa. Mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ. Cuộc đời vui cuộc đời buồn. Nào ai hay biết cho đâu là bến mơ…
Sông Hoàng Phố như dải lụa mềm bắt nguồn từ sông Tô Châu. Chiều dài suýt soát 100 cây số. Chiều ngang trung bình khoảng 400m. Con sông là nguồn cung cấp nước uống cho hơn 20 triệu dân nơi đây. Sông Hoàng Phố nổi tiếng bởi có nhiều công trình thế kỷ dọc hai bên bờ Đông - Tây: cầu bắc qua sông, đường hầm chui dưới lòng sông… và gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thượng Hải. Trung Quốc có một câu truyền miệng: "Muốn biết Trung Hoa 5.000 năm hãy lên Tây Tạng, 2.000 năm hãy qua Bắc Kinh, 30 năm thì qua Thẩm Quyến, còn 100 năm thì đến Thượng Hải". Rồi nhiều hội nghị hội thảo, nhiều cuộc triển lãm quốc tế diễn ra tại nơi đây làm Hoàng Phố Giang càng nổi tiếng hơn. Đặc biệt là Triển lãm Quốc tế Thượng Hải (Shanghai World Expo 2010) diễn ra ngay trên bờ sông Hoàng Phố với hàng loạt tiêu chí nhất thế giới: Thời gian triển lãm dài nhất (184 ngày), diện tích rộng nhất (5,3 km2) số lượng người đến đông nhất (73 triệu lượt người), chi nhiều tiền nhất (65,3 tỷ đô la Mỹ), quy tụ 189 quốc gia và 57 tổ chức trên thế giới…
Sáng hôm sau đoàn chúng tôi xuất phát từ khách sạn Mandarin thuộc khu bờ Tây sang khu hội thảo triển lãm tại bờ Đông. Nhìn hai bên đường, những tòa nhà cao ngất san sát nối đuôi nhau. Có lẽ thành phố này phát triển quá nóng, giá bất động sản quá cao, trong quy hoạch người ta không chú ý tới diện tích dành cho cây xanh. Đây là bài học quý giá cho các thành phố khác trong quá trình phát triển. Dường như cây xanh được trồng ở hai bên lề đường là những cây phong còn ít tuổi, người Hoa thường gọi là cây ngô đồng. Một thời gian không xa nữa, cây phong sẽ là chủ đạo, biểu tượng của thành phố này. Theo thống kê, Thượng Hải có trên một ngàn tòa cao ốc từ dăm bảy chục tầng trở lên, trong đó tòa cao nhất thành phố cũng là cao nhất Trung Quốc 101 tầng, kiến trúc hình chiếc mở nắp bia tọa lạc bên bờ Đông. Hằng ngày chúng tôi sang bờ Đông đều phải qua đường hầm xuyên dưới lòng sông Hoàng Phố. Lúc về, qua cầu treo Đại Kiều Nam Phố bắc qua sông Hoàng Phố mà đường dẫn hình xoáy trôn ốc, rất đẹp và hiện đại. Chiếc cầu này cũng xuất phát từ ý tưởng của cậu bé Dương Minh 9 tuổi. Sau khi công trình hoàn thành, Dương Minh được công nhận là chủ ý tưởng đường dẫn xoáy trôn ốc độc đáo và được thưởng một căn hộ khá đắt tiền.
Về giao thông: Người dân thành phố đi lại chủ yếu bằng xe con, xe buýt, tàu điện ngầm, tàu cao tốc, mô tô, xe đạp máy và xe đạp. Các công trình đường cao tốc ba bốn năm tầng chi chít ngang dọc. Hệ thống tàu điện ngầm không đồ sộ như Mát-xcơ-va nhưng cũng rất nhiều tuyến. Còn xe con, số lượng rất “khủng” hơn bảy triệu chiếc, bình quân toàn thành phố cứ 3 người có một xe. Ở Trung Quốc thì xe biển màu xanh là của tư nhân, biển trắng là của Nhà nước, biển vàng là xe du lịch… Xe tỉnh nào thì tên tỉnh đó ghi bên trái biển. Muốn đăng ký được một xe biển Thượng Hải phải mất một số tiền kha khá, ngang tiền bỏ ra mua chiếc xe nội địa. Nhưng xe của Thượng Hải hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi hơn như vào giờ cao điểm được đi trên những tuyến giao thông quan trọng, cầu vượt… Còn xe máy không nhiều, ít khi gặp trên các trục đường chính mà chỉ hay gặp ở các con phố nhỏ. Tại các ngã ba, ngã tư đường ngầm và cầu vượt dành cho người đi bộ cũng có, nhưng chưa nhiều. Hệ thống giao thông được kiểm soát bằng ca-mê-ra, mọi người rất nghiêm chỉnh chấp hành.
Một góc khu Miếu Hoàng Thành
Người dân bản địa có một câu: “Ai chưa đến phố Nam Kinh thì coi như chưa đế́n Thượng Hải”. Chiều hôm sau chúng tôi được đi mua sắm ở phố Nam Kinh. Đây là con phố đi bộ như phố Bắc Kinh ở Quảng Châu, nhưng bề thế, hàng hóa đa dạng hơn, giá cả mắc hơn, có xe điện chở khách chạy liên tục. Toàn bộ con phố dài trên 5 cây số. Hai bên đường là những cửa hàng cửa hiệu, nhà hàng được xây dựng hiện đại bán đủ thứ trên đời. Vào các hẻm nhỏ hai bên phố là những ngôi nhà cổ xinh xắn. Nơi đây làm nghề tầm quất, bấm huyệt, tập y-ô-ga, trang điểm sắc đẹp. Thi thoảng trên con phố này còn gặp những mô hình phu xe kéo tay thời đầu thế kỷ 20, trông rất ngộ nghĩnh. Các nhân viên bán hàng ở các cửa hiệu tiếp thị rất khéo, vì thế ai đến đây cũng mua được món quà cho người thân hoặc mua cho mình vật gì đó làm kỷ niệm. Theo thống kê Nam Kinh hằng ngày có 1,7 triệu lượt người qua lại. Trung Quốc rất tự hào về “Trung Hoa đệ nhất lộ” còn báo chí phương Tây xếp Nam Kinh là con đường mua sắm lớn nhất thế giới.
Thưởng Hải còn nổi tiếng với Miếu Thành Hoàng, Dự Viên. Đến đây tôi chẳng thấy cái miếu nào cả, đây là khu phố cổ kinh doanh buôn bán. Từ phố chính đi bộ vào sâu trong ngõ ước chừng một hai trăm mét. Tôi gặp những ngôi nhà gỗ sơn màu nâu sẫm, mái cong vút, được chạm khắc rất tinh xảo. Mỗi nhà một kiểu, không nhà nào giống nhà nào, tạo ra một phong cách rất riêng. Gần đó có một quán bán bánh bao rất nổi tiếng, người dân xếp hàng dài dằng dặc. Đến đây rồi, mọi máy ảnh, máy ca-mê-ra hoạt động hết công suất. Mọi người muốn ghi lại hình ảnh các kiểu kiến trúc cổ thời nhà Minh, Thanh với lịch sử hơn 450 năm. Miếu Thành Hoàng thực ra là một trung tâm thương mại hàng giá rẻ, chủ yếu phục vụ cho khách du lịch, dân thường. Bên cạnh Miếu Thành Hoàng là Dự Viên, một công trình kiến trúc viên lâm cổ điển. Tương truyền Dự Viên được một vị quan nhà Minh xây năm 1559 để phụng dưỡng mẹ già. Công trình tọa lạc trên một diện tích trên 20.000m2 với hơn 30 công trình đền đài, lầu các, hồ sen, ao cá, vườn hoa, những cây cầu… rất tinh tế và đẹp.
Thời gian ở Thượng Hải không nhiều nhưng để lại trong tôi ấn tượng về một “thành phố trên biển” năng động, mạnh mẽ và thi vị.
Thượng Hải, hè 2011
TÔ NGỌC THẠCH