Thành phố tình yêu và nỗi nhớ

27/10/2019 07:16

Tôi gọi TP Hải Dương là thành phố tình yêu và nỗi nhớ, nên càng tha thiết đắm mình trong câu hát: "Nhắn gửi người thương khi đi xa luôn nhớ Hải Dương"...

... "Nhớ về Hải Dương nghe xôn xao như nhớ người thương". Ca từ đẹp, lắng sâu vào lòng người. Cho dù ta đang ở ngay giữa lòng TP Hải Dương, nghe đến đó lòng vẫn rộn ràng như đang ở nơi xa nhớ về quê mình, nhớ con sông Thái Bình lượn vòng ôm ấp chở nặng phù sa đời nối đời bồi đắp nên mảnh đất này, mảnh đất phên dậu phía đông của kinh thành Thăng Long xưa, là một trong tứ trấn phòng thủ của nước Đại Việt ta và nay là trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong đường hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là trung tâm đô thị vùng, trung tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng...

Những ngày này TP Hải Dương đang bừng bừng khí thế chào đón sự kiện trọng đại của thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I, đó cũng là niềm vui lớn của Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh Hải Dương. Trên khắp các tuyến phố, các ngả đường được chỉnh trang nâng cấp, thể hiện thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh. Các cửa ô dẫn vào thành phố được trang hoàng lộng lẫy. Cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu với dòng chữ sáng ngời: Chào mừng TP Hải Dương đô thị loại I. Từ Hà Nội về; Hải Phòng, Quảng Ninh lên; Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam sang, ta gặp những cửa ô vòng xuyến in đậm nét bằng hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, xinh tươi ngời lên dòng chữ TP Hải Dương với vẻ kiêu hãnh, tự hào.

Hải Dương mảnh đất anh hùng chống giặc ngoại xâm, cần cù thông minh trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh mến khách khiến ai đó một lần ghé thăm không nỡ rời xa. Và, khi xa rồi luôn nhớ về Hải Dương. Nhớ con đường dẫn vào các cửa ô, nhớ ngã năm, ngã sáu, phố Nhà Thờ, đường Bạch Đằng, nhớ Quảng trường Độc Lập với sự kiện trọng đại mít tinh trong khởi nghĩa Tháng Tám, Quốc khánh 2.9.1945, nhớ ngày vào tiếp quản thành phố 30.10.1954, Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975.

Ngày xưa, đường 5 còn chạy qua lòng thành phố, người Hà Nội về, người Hải Phòng lên không quên ghé vào các quán bánh cuốn tráng mỏng nổi tiếng với bát nước chấm khéo pha có vị cà cuống thơm lừng điểm tâm, rồi mua bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang-đặc sản của Hải Dương làm quà cho người thân. Người thành phố mến khách, đon đả mời chào. Khách dừng chân đến thăm các phố Hàng Đồng, Hàng Lọng xưa buôn bán sầm uất, nay là phố Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa... với những sản vật quý của vùng quê lúa. Thời đó, nếu đi trẩy hội đền Kiếp Bạc, đi lễ chùa Côn Sơn, Thanh Mai, Yên Tử... du khách cũng dừng chân ở TP Hải Dương. Có thể nói, TP Hải Dương - nơi hội tụ của tình yêu - thành phố của ánh dương. Thời xa xưa, Hải Dương rộng lắm, bao gồm cả Kiến An (Hải Phòng) và một phần tỉnh Quảng Yên, kéo dài từ vùng giáp Kinh đô Thăng Long đến tận miền duyên hải. Thế mới có tên là Hải Dương. Hải là biển - Dương là ánh dương từ biển chiếu về. 

Từ một thị xã nhỏ bé bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh, TP Hải Dương đã vươn lên xây dựng và đạt được nhiều thành tựu mới. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội luôn dẫn đầu tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thành phố đạt 13,6%/năm. Thành phố đã hoàn thành mục tiêu tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 14,1%/năm. Giá trị hàng xuất khẩu tăng bình quân 15,4%/năm.

Tôi đang đi trong lòng thành phố, giữa những phố phường tấp nập người, xe, lòng rộn ràng thấy thành phố mình ngày càng giàu đẹp lên. Khu trung tâm nội đô thành phố buôn bán sầm uất hơn. Cửa hàng, cửa hiệu hàng hóa bày san sát, bắt mắt, đẹp hẳn lên, giá cả dễ mua. Nhiều người bảo giá các hàng hóa, nhất là thực phẩm ở Hải Dương rẻ, ngon hơn các nơi. Sà vào quán điểm tâm, giải khát thấy yên tâm. Khu đô thị phía đông với nhiều tòa nhà, biệt thự. Đường Thanh Niên vắt qua khu đông hội tụ với đường Tôn Đức Thắng, Bùi Thị Xuân, Chương Dương, Bạch Đằng... Những con đường thật rộng rãi cùng hàng cây tỏa bóng mát. Đối xứng với đô thị phía đông là khu đô thị phía tây như hai cánh tay lực lưỡng của chàng hiệp sĩ nâng thành phố lên cao. Cầu Phú Tảo, Lộ Cương, khu Đỉnh Long, khách sạn 25 tầng... là những điểm nhấn. Phía bắc thành phố là cầu Hàn, nối quốc lộ 5 với đường tỉnh đi TP Chí Linh. Phía đông bắc, cầu Phú Lương trong huyết mạch giao thông đi Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhìn tổng thể quy hoạch của thành phố đã đi trước một bước, tạo nền tảng cho thành phố phát triển như ngày nay. 

 Hải Dương đang phát triển với quy mô lớn, tốc độ cao. Năm cửa ô như 5 cánh sao. Có người đã ví TP Hải Dương là thành phố ngôi sao. Ngôi sao ấy đang tỏa sáng làm nức lòng Đảng bộ, nhân dân thành phố, nhân dân trong tỉnh và bè bạn gần xa khi đến Hải Dương và khi nhớ về Hải Dương, muốn ở lại Hải Dương, vùng đất giàu có, mến cảnh sinh tình. Nơi đây, sản vật mùa nào cũng có, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, nếp quýt Kim Thành, vải thiều Thanh Hà, na Chí Linh, rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng)... Mùa xuân về những vùng đất ấy ngời ngời sắc xuân, những vườn đào nở hồng rực rỡ, vườn quất, cam vàng rực trĩu quả. Nơi đây khí hậu ôn hòa, bão gió chỉ qua loa, chẳng mấy khi bão lớn, ngập lụt đổ về. Người Hải Dương hiền hòa, thủy chung, mến khách... những cái đó làm tình yêu Hải Dương được nhân lên theo năm tháng.

Đi trong lòng thành phố, một cảm xúc dâng trào - Tôi gọi Hải Dương là thành phố tình yêu. Bởi tôi yêu Hải Dương và Hải Dương yêu chúng tôi. Nhớ những năm còn nhỏ, từ quê ra trọ học ở làng Hàn. Cứ thứ bảy hằng tuần lại cuốc bộ về nhà để chiều chủ nhật, vai đeo một tượng gạo, tay xách mấy mớ rau, khi thì nải chuối, chai tương lên thành phố để sớm hôm sau còn kịp vào lớp học. Lúc đó, nhìn thành phố thấy cái gì cũng đẹp, cũng lạ, mong sao mình được ở lại thành phố, là người thành phố. 

Thành phố tôi yêu và thành phố cũng yêu tôi. Vì thế, sau này dù đi công tác nơi xa, ra khu mỏ, lên Tây Bắc, rồi được chuyển về thành phố, cả gia đình tôi đều sinh sống và ngụ tại nơi này. Thành phố là quê hương thứ hai của tôi - yêu để đến. Đến rồi để yêu. Và đi xa lại nhớ. Nên tôi gọi TP Hải Dương là thành phố tình yêu và nỗi nhớ, nên càng tha thiết đắm mình trong câu hát: "Nhắn gửi người thương khi đi xa luôn nhớ Hải Dương"...(*)



(*) Bài hát "Nhớ về Hải Dương" của nhạc sĩ Trần Minh

Tùy bút của VŨ HOÀNG LUYẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố tình yêu và nỗi nhớ