Trong sâu thẳm tâm thức của biết bao người con đất Việt luôn dành những tình cảm thân thương nhất đối với thành phố mang tên Người - TP Hồ Chí Minh.
Đường hoa Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh)
Từ nơi ấy, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Cũng từ đây đồng bào cả nước vỡ òa hạnh phúc khi quân giải phóng của ta húc đổ chế độ chính quyền Sài Gòn.
Trong bài thơ “Ta đi tới" viết năm 1954, nhà thơ Tố Hữu đã tiên đoán: “Ai vô thành phố Hồ Chí Minh/Rực rỡ tên vàng…”. Lúc đó, thành phố vẫn còn có tên là Sài Gòn. Phải sau năm 1975 thống nhất đất nước mới đổi tên là TP Hồ Chí Minh. Có lẽ trong sâu thẳm tâm thức không chỉ nhà thơ mà của biết bao người con đất Việt mong muốn thành phố được mang tên Người. Thành phố mà Người đã ra đi trên bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước.
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Người có một ước ao cháy bỏng là vào thăm đồng bào, đồng chí miền Nam. Trong những ngày ốm nặng, lúc tỉnh dậy bao giờ Bác cũng hỏi: “Hôm nay, miền Nam thắng trận ở nơi nào?". Sống lại không khí của những ngày chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, hình ảnh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” ra trận luôn là điệp khúc quân hành “Thần tốc, thần tốc hơn nữa/Táo bạo, táo bạo hơn nữa" của năm cánh quân như năm cánh sao vàng tiến vào thành phố...
Ở Thủ đô Hà Nội cách xa Sài Gòn hàng nghìn cây số trong những ngày cả nước náo nức tin mừng chiến thắng đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên không nén được lòng mình đã reo lên vỡ òa niềm vui hạnh phúc: “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Buổi trưa 30.4 cách đây 43 năm ấy, nắng Sài Gòn rót mật qua các vòm lá cây cổ thụ xanh mướt. Khi chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, húc đổ chế độ chính quyền Sài Gòn, húc đổ bức thành trì ngăn cách lòng người, ngăn cách giới tuyến để hòa chung một âm vang, một sắc màu rực rỡ cờ hoa. Một tình cảm thiết thân nồng nàn “Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta” (Tố Hữu) - đã về ta những con phố, hẻm đường, đã về ta những vòng tay nụ cười ánh mắt rơi lệ, mừng vui. Đã về ta cả bầu trời tự do xanh mát mà như nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết “Tháng tư nay cây cỏ cũng ra tù”.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch mà cả nước dồn hết sức người sức của cho chiến trường: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/Mừng thì mừng, thương mẹ biết bao nhiêu” (Hữu Thỉnh). Ôi hậu phương miền Bắc, ở đó có mẹ ta, em ta dành dụm từng hạt gạo chắt chiu qua bao xay giã giần sàng, qua bao nắng mưa bão lũ để nuôi những bào thai chiến dịch cho ngày toàn thắng. Cánh đồng khô rạn chân chim, rạn chân chim cả trên khóe mắt của mẹ. Nhưng lòng mẹ hân hoan, miếng trầu thêm ấm. Mẹ không chỉ gửi ra chiến trường những đứa con trai, con gái “Đẹp hơn hoa hồng cứng hơn sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt” (Nam Hà). Mẹ gửi theo bao niềm tin hy vọng với ngày toàn thắng đến gần.
Trong ngôi nhà đơn sơ của mẹ, tấm ảnh Bác Hồ kính yêu lồng trong khung kính được treo ở vị trí trang trọng. “Bác lo bao việc trên đời/Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em” như chú bé thần đồng Trần Đăng Khoa lúc mới 8 tuổi đã từng viết thế. Trong chiếc xe tăng chật chội chèn chứa bao vũ khí quân trang đạn dược của người lính lại có cả tấm ảnh Bác Hồ mặc bộ quân phục dõi theo đoàn quân đi. Trong lúc hành quân với lá ngụy trang luôn có Bác bên mình cùng xóc nảy gập ghềnh đèo cao dốc núi. Ba tiếng gọi: Hồ Chí Minh như rạng rỡ, tỏa sáng truyền thêm bao sức mạnh.
Lại nhớ khi ra pháp trường đối diện họng súng quân thù, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã hô vang ba lần: "Hồ Chí Minh muôn năm!". Người liệt sĩ trung kiên ấy đã ngã xuống mảnh đất Sài Gòn. Hình như trong đoàn quân qua cầu Công Lý vẫn có hình ảnh anh Trỗi đi cùng bởi “Có cái chết hóa thành bất tử”. Có người chiến sĩ trước giờ toàn thắng chỉ cách gang tấc nhưng đã ngã xuống ở đầu cầu Sài Gòn.
Có lẽ khi vuốt cho mắt người đồng đội khép lại ta vẫn còn như thấy vương vấn một nụ cười trên môi người đã khuất. Lịch sử nối tiếp lịch sử, chiến công nối tiếp chiến công. Vẫn còn vọng lại lời Bác Hồ dặn Đại đoàn Quân Tiên Phong trên đường về Thủ đô Hà Nội dừng lại ở Đền Hùng: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thưa Bác, chúng con đã thực hiện đúng ước nguyện của Người: “Đánh cho Mỹ cút/Đánh cho ngụy nhào”. Chúng con những người lính đầu đội mũ tai bèo như một chiếc lá sen, chân đi đôi dép lốp cao su như Bác đã từng đi. Bến Nhà Rồng trưa 30.4 sóng vỗ miên man hàn gắn bao vết thương lòng, xóa chìm đi bao thù hận.
Ngày ấy "Đất nước đẹp vô cùng/Nhưng Bác phải ra đi” (Chế Lan Viên), thì nay: “Chúng con đến xanh ngời ánh thép/Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. Cả thành phố xuống đường tháng tư giữa cờ sao giải phóng. Trên tay mỗi người là những bó hoa tươi sắc nắng và tấm ảnh Bác Hồ với vầng trán rộng, ánh mắt tin yêu và nụ cười rạng rỡ khi mà “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công” (Phạm Tuyên). Hai tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh vang lên không chỉ trong lòng người dân Việt mà vọng vang trên toàn thế giới. Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của lương tâm thời đại. Chiến thắng của chính nghĩa.
Dải đất hình chữ S thân thương nằm bên bờ Biển Đông như một con đê trên bán đảo. "Cái dải đất giống như nàng Tiên múa/Lại có hình ngọn lửa lúc cuồng phong/Lịch sử thành văn trên mình ngựa/Con trẻ mà mang áo giáp đồng” (Trần Mạnh Hảo). Cả bốn nghìn năm lịch sử đã hội tụ về đây trong giây phút thiêng liêng này. Xin được thành kính một phút mặc niệm những người con thân yêu đã ngã xuống. Phút lặng yên này là nốt trầm sâu thẳm vì phải bao mất mát hy sinh chúng ta mới giành được ngày toàn thắng hôm nay. Còn đó những chiếc ba lô, bi đông đựng nước lỗ chỗ vết đạn, còn đó những nấm mộ vô danh của bao nghĩa trang liệt sĩ rải dọc dài đất nước. Những bia mộ như những phím đàn ngân vang trong lòng đất. Màu hoa huệ trắng đến nao lòng. Và những chiếc hoa loa kèn thổi vào nắng tháng tư, những âm thanh trầm hùng da diết. Tháng tư là tháng có nhiều ký ức khi thành phố mang tên Người rực rỡ cờ hoa…
NGUYỄN NGỌC PHÚ