Thanh niên Thượng Quận đua nhau làm giàu

17/11/2013 07:53

“Sinh ra từ vùng quê nông nghiệp, phải cố gắng làm giàu bằng nghề nông nghiệp” là suy nghĩ của nhiều đoàn viên thanh niên xã Thượng Quận (Kinh Môn).



Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Hảo cho thu lãi từ 70 - 100 triệu đồng mỗi năm


Bí thư đoàn nêu gương

Chúng tôi tới thăm anh Bùi Văn Hảo, sinh năm 1980, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Quận khi gia đình đang xây nhà mới. Ngôi nhà hai tầng với kiến trúc đẹp đang sắp hoàn thành. Giới thiệu về ngôi nhà của mình, khóe mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc: “Kết quả bao nhiêu năm phấn đấu của vợ chồng mình đấy”.

Anh Hảo kể, sau khi xây dựng gia đình năm 2007, vợ thì làm công ty bận rộn tối ngày mà đồng lương chẳng đáng là bao. Sẵn nhà có vườn rộng, vợ chồng anh bàn bạc ở nhà chăn nuôi lợn, vừa có thu nhập lại vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Vợ chồng anh được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay 50 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và mua giống. Ngay lứa đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc lại gặp đúng dịch tai xanh nên cả đàn lợn của anh lần lượt mắc bệnh chết, vốn liếng cạn kiệt. Toàn bộ số vốn vay ngân hàng mất trắng, mọi hy vọng tưởng như dập tắt. Không cam chịu thất bại, anh Hảo tiếp tục vay được hơn 4 triệu đồng của bạn bè để đầu tư vực lại đàn lợn. Anh sang tận Thái Bình để lựa chọn giống tốt, nuôi gột từ lúc lợn còn bé để chủ động phòng dịch bệnh. Vợ chồng anh tìm tài liệu, sách báo về chăn nuôi lợn đọc để có thêm kinh nghiệm. Năm 2010, dịch tai xanh lại tiếp tục hoành hành, nhưng đàn lợn của gia đình do chủ động phòng bệnh nên không thiệt hại. Nhờ vậy, trong năm đó gia đình anh thắng lợi lớn, tổng doanh thu đạt 300 triệu đồng. Sau khi có chút lãi, trả hết nợ ngân hàng, anh Hảo tiếp tục mở rộng chuồng trại đầu tư nuôi lợn. Hiện tại gia đình anh Hảo có 11 ô chuồng, với diện tích hơn 130 m2, thường xuyên có từ 4-6 lợn nái, từ 40-50 lợn thịt, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 70 - 100 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hảo còn là một Bí thư Đoàn Thanh niên xã năng nổ. Anh thường xuyên tới thăm hỏi, động viên, chia sẻ kinh nghiệm cùng các đoàn viên thanh niên có mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Anh Hảo cùng Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã luôn tạo điều kiện về nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên có nhu cầu vay phát triển kinh tế gia đình.

Phong trào phát triển

Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên xã Thượng Quận có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành  với thanh niên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao. Ngoài mô hình của gia đình anh Hảo, xã Thượng Quận còn có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu khác của thanh niên. Anh Nguyễn Hữu Thiệu, sinh năm 1984 ở thôn Thượng Xá đã mạnh dạn trồng cây thanh long ruột đỏ, nuôi thỏ New Zealand, chim bồ câu, cá rô phi đơn tính, mỗi năm cho thu lãi khoảng 170 triệu đồng. Hay mô hình làm tranh đá quý của anh Nguyễn Đức Cường, sinh năm 1980 cũng ở thôn Thượng Xá đã giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 4-5 lao động, với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm tranh đá quý của anh Cường được tiêu thụ ở trong huyện và các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng... Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng.

Hiện tại trong xã Thượng Quận có trên 20 mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên, hằng năm mỗi mô hình thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Những mô hình kinh tế này không chỉ giúp đoàn viên thanh niên làm giàu mà còn giải quyết việc làm thường xuyên và việc làm thời vụ cho nhiều lao động trong xã. Đoàn xã tích cực phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân xã thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên. Vận động thanh niên mạnh dạn đưa giống cây, con mới, hiệu quả kinh tế cao vào chăn nuôi, sản xuất. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên xã luôn tạo điều kiện cho thanh niên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua kênh của đoàn. Toàn xã hiện có 30 đoàn viên thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với tổng dư nợ đạt hơn 700 triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với thanh niên nông thôn nói chung và thanh niên xã Thượng Quận nói riêng vẫn là về nguồn vốn đầu tư sản xuất. Anh Bùi Văn Hảo chia sẻ: “Đây là bài toán khó từ nhiều năm nay của tổ chức đoàn. Để thanh niên gắn bó với phong trào đoàn và có điều kiện phát triển kinh tế thì đoàn thanh niên phải thực sự chia sẻ, đồng hành tháo gỡ khó khăn về vốn cho họ”. Nhu cầu vay vốn của thanh niên trong xã rất lớn, nhưng do số vốn được vay từ ngân hàng chính sách xã hội quá thấp, chỉ từ 20-30 triệu đồng/hộ, không đủ giúp thanh niên đầu tư lâu dài. Hơn nữa, nguồn vốn giải quyết việc làm theo Đề án 20 của Trung ương Đoàn còn ít, lại quay vòng luân phiên giữa các huyện, thị, thành đoàn nên rất khó để thanh niên có thể tiếp cận nguồn vốn này. Để thanh niên xã Thượng Quận tiếp tục gắn bó, phát triển kinh tế gia đình thì họ cần có sự động viên khích lệ và hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư sản xuất.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh niên Thượng Quận đua nhau làm giàu