Việc xây dựng và duy trì văn hoá giao thông đã được các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, ý thức tham gia giao thông của nhiều thanh niên còn kém.
Nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Ảnh chụp lúc 4 giờ 30 chiều 16-12
trên đường Bạch Đằng (TP Hải Dương)
Ý thức kémTheo ghi nhận của phóng viên, tại ngã tư giao nhau giữa đường Chi Lăng, Nguyễn Trãi, Hoàng Hoa Thám, Tuệ Tĩnh ở TP Hải Dương, chỉ từ 8-9 giờ sáng 14-12 đã có 21 trường hợp người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm (MBH), chủ yếu là những người trẻ tuổi.
Cùng ngày 14-12, tại đường 395 đoạn qua thị trấn Gia Lộc, chỉ từ 4 giờ 30 đến 5 giờ chiều, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - cơ động Công an huyện Gia Lộc đã lập biên bản xử phạt 12 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi: đi xe máy không có gương, không mang theo giấy tờ, không MBH, đội mũ không cài quai. Tất cả các trường hợp vi phạm đều dưới 35 tuổi. Chúng tôi hỏi Đỗ Văn Đồng (sinh năm 1994 tại xã Toàn Thắng, Gia Lộc): “Bạn mắc lỗi gì mà bị kiểm tra giấy tờ và giữ xe tại đây?”, thì chỉ nhận được câu trả lời cộc lốc: “Cướp đường!”. Theo Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - cơ động, Đồng mắc lỗi điều khiển xe máy không có giấy tờ, xe không gương, đội mũ không cài quai. Một trường hợp khác, Vũ Thị Phương Thảo (sinh năm 1999 tại xã Yết Kiêu) đi xe đạp điện với bạn khác, cả hai đều không đội MBH. Thảo cho biết: “Em biết đi xe đạp điện phải đội MBH, nhưng hôm nay em quên”. Hầu hết các bạn trẻ vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều viện lý do như không nhớ, nhà ở gần, vội đi học, đi làm… nên không đội MBH, không mang theo giấy tờ. Những hành vi này đều dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), hậu quả nếu xảy ra tai nạn sẽ nghiêm trọng hơn...
Trả giáNgày 14-12, tại Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 25 bệnh nhân chấn thương do TNGT, trong đó 18 bệnh nhân dưới 35 tuổi. Bệnh nhân Phạm Phú Tiệp (sinh năm 1994, quê ở xã Hoàng Hanh, Ninh Giang) nhập viện lúc 8 giờ sáng trong tình trạng sưng nề vùng đầu mặt và chấn thương sọ não. Nguyên nhân khiến Tiệp bị TNGT do say rượu. Phạm Phú Lý, em trai của Tiệp buồn rầu kể: “Lúc 10 giờ 30 đêm qua, anh ấy đang đi đường thì bị tai nạn. Những người xung quanh đã đưa anh ấy vào một bệnh viện ở huyện nhưng do chấn thương quá nặng nên sáng nay chuyển lên đây. Bố em mất 2 năm trước nên gia đình rất khó khăn. Em đang làm ở nhà hàng 559, nay phải xin nghỉ để cùng mẹ chăm sóc anh ấy”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hải, Phó Trưởng Khoa Ngoại 2 cho biết trung bình 1 tháng khoa tiếp nhận từ 200-250 bệnh nhân và 50% trong số đó bị chấn thương do TNGT với nhiều mức độ, nhưng nặng nhất là các chấn thương sọ não, lồng ngực, cột sống, có bệnh nhân phải điều trị từ 3-4 tháng. Trong số các bệnh nhân chấn thương do TNGT có khoảng 70% từ 18-35 tuổi, thời gian bị TNGT thường vào buổi tối, nguyên nhân do uống rượu nên gây tai nạn hoặc tự ngã.
Theo Ban ATGT tỉnh, trong 11 tháng qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 42.500 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó có 60-70% số người dưới 35 tuổi. Ông Vũ Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: "Xác định công tác giáo dục ý thức, văn hóa giao thông là nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm ATGT, Ban ATGT tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người tham gia giao thông, nhất là những người trẻ tuổi bằng nhiều hình thức như tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường, khu dân cư, khu công nghiệp; tập huấn cho đội ngũ giáo viên, trưởng thôn, khu dân cư, lãnh đạo các xã, thị trấn... Cùng với tuyên truyền, các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, cứ vào những đợt ra quân, kiểm tra thì tình trạng vi phạm trật tự ATGT, số vụ TNGT giảm đi nhưng sau đó lại diễn biến phức tạp".
Việc nâng cao ý thức, văn hoá giao thông đòi hỏi cả xã hội cùng chung tay xây dựng. Mỗi người dân, nhất là thanh niên cần tự nâng cao ý thức của chính mình để bảo đảm ATGT cho bản thân, không trở thành nguyên nhân gây tai nạn, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
HẢI HOÀNG