Thanh niên thiếu hiểu biết về HIV

01/12/2022 11:19

Một bộ phận không nhỏ thanh niên đang bị thiếu hụt trầm trọng kiến thức về HIV.


Giáo viên và học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách trong một buổi giáo dục ngoại khóa tuyên truyền về HIV/AIDS 

Điều này trực tiếp đe dọa đến việc thực hiện chiến lược chấm dứt hoàn toàn đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng.

Mơ hồ


Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh), số liệu từ tổng điều tra dân số năm 2021 cho thấy tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ từ 15-24 tuổi tại Việt Nam chỉ dưới 50%. Tại Hải Dương, mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng theo khảo sát của phóng viên, nhiều thanh niên còn mơ hồ, thậm chí chưa một lần được tiếp cận với kiến thức về HIV.

Phóng viên đã phỏng vấn ngẫu nhiên 12 thanh niên 18 tuổi đang theo học tại một trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở TP Hải Dương. Kết quả, chỉ 1 người cho biết đã được tham dự một buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, số còn lại thì chưa được tiếp cận kiến thức. Bạn V.Đ.T.G. quê Cẩm Giàng cho biết: “Cụm từ HIV/AIDS thì cũng được nghe nói nhiều rồi nhưng thực tế thì em chưa bao giờ biết gì về loại bệnh này”.

Khi được hỏi có biết HIV lây truyền qua những con đường nào, bạn Đ.N.H. - một trong 12 thanh niên trên vô tư nói: “Thực sự là em chưa biết gì”.

Phóng viên tiếp tục phỏng vấn ngẫu nhiên 55 học sinh lớp 12B, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Sách kiến thức về HIV/AIDS. Hầu hết các em đều đưa ra câu trả lời là “chưa biết”. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc trung tâm thừa nhận công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS mặc dù đã có nhưng chưa được duy trì thường xuyên.

Em T.X.S., 20 tuổi ở TP Chí Linh tỏ ra rất mơ hồ khi được hỏi về HIV/AIDS. “Hình như là HIV lây qua đường quan hệ tình dục, đường máu, có thể là qua đường hô hấp nữa”. Bạn của S. ngồi gần nói xen: “Em thấy bảo nếu da mình bị dính máu của người nhiễm HIV/AIDS thì mình cũng sẽ bị lây”.

Không thể phủ nhận những kết quả của công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS mà các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai trong những năm qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp. Đại diện Tỉnh đoàn cho biết công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS được các cấp bộ Đoàn, nhất là Đoàn Thanh niên các trường THPT, cao đẳng, đại học thực hiện dưới nhiều hình thức như đăng bài trên website, fanpage, truyền thanh nội bộ, phổ biến dưới cờ, thi tiểu phẩm… Tuy nhiên, những hoạt động này thường chỉ diễn ra tập trung vào Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS mà chưa được quan tâm nhiều trong những tháng còn lại của năm. Kiến thức tuyên truyền về “căn bệnh thế kỷ” khô khan, lặp đi lặp lại khiến một bộ phận giới trẻ thờ ơ, không hứng thú tiếp nhận.

Công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS thường được Đài Phát thanh cấp huyện và Đài Truyền thanh các xã, phường, thị trấn tập trung vào tháng 12. Những tháng còn lại trong năm chỉ duy trì một vài tin bài, thậm chí không có. Điều này cũng khiến việc tiếp cận kiến thức phòng chống HIV trong giới trẻ bị hạn chế rất nhiều. 

Thách thức

Cùng với cả nước, Hải Dương đề ra mục tiêu sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị đe dọa bởi những con số biết nói. 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận khoảng 9.000 ca nhiễm mới. Hơn 50% số ca mắc mới phát hiện thuộc nhóm người dưới 29 tuổi. Tại Hải Dương, từ đầu năm đến hết ngày 31.10 đã phát hiện 59 người nhiễm HIV mới. Toàn bộ 12 huyện, thị xã, thành phố và 99% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Luỹ tích các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 3.887 người, trong đó 1.736 trường hợp đã tử vong do AIDS. 2.151 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống được quản lý.


Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương tư vấn điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho một thanh niên (ảnh do bệnh viện cung cấp)

Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) cho biết dịch tễ học liên quan đến HIV đang có những chuyển dịch từ hình thái lây nhiễm nhóm tiêm chích ma tuý, phụ nữ bán dâm sang đường tình dục không an toàn. Nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là thanh niên trẻ, nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, những người chuyển giới và những người chưa hiểu nhiều về các biện pháp dự phòng qua quan hệ tình dục. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong thanh niên, đặc biệt là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (SMS) đang tăng nhanh, trong khi cộng đồng người SMS là con số bí ẩn. 

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay là “Chấm dứt dịch AIDS-Thanh niên sẵn sàng”. Chủ đề này hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch HIV trong bối cảnh hiện nay. Chủ đề nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của thanh niên trong việc tham gia thực hiện chiến lược chấm dứt đại dịch HIV/AIDS.

Nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện mục tiêu trên cần triển khai xét nghiệm, phát hiện và điều trị sớm HIV, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao. Nhà nước cần tăng cường nguồn lực cho công tác truyền thông, thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ người thuộc nhóm có nguy cơ cao ngay từ thôn, khu dân cư, trong đó thanh niên làm lực lượng nòng cốt. Khuyến khích, phát huy vai trò của cộng đồng người SMS trong công tác dự phòng điều trị HIV. “Ngoài thanh niên trong các cơ sở giáo dục, các chương trình truyền thông, dự phòng điều trị HIV cũng cần hướng về các vùng nông thôn, các khu, cụm công nghiệp thì mới có hiệu quả”, Bí thư Huyện đoàn Gia Lộc Tăng Văn Nguyên nói.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh niên thiếu hiểu biết về HIV