Thanh niên làm kinh tế tập thể

23/11/2014 04:00

Những năm qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình HTX, tổ hợp tác để tập hợp thanh niên phát triển sản xuất.



Hầu hết việc dồn ô, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng ở xã Thống Nhất (Gia Lộc) đều do Tổ hợp tác
 Dịch vụ máy nông nghiệp Thống Nhất đảm nhiệm


Hướng đi mới

Tổ hợp tác Dịch vụ máy nông nghiệp Thống Nhất, xã Thống Nhất (Gia Lộc) thành lập từ tháng 5-2014. Hiện nay, tổ có 7 thành viên chính, trong đó có 5 cán bộ đoàn và 2 đoàn viên thanh niên. Vào mùa vụ, công việc nhiều nên tổ phải thuê thêm lao động nhưng với điều kiện người được thuê cũng phải là đoàn viên thanh niên. Để phục vụ tốt nhu cầu người dân, tổ hợp tác đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua 3 máy xúc, 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy làm đất. Ngay từ khi thành lập, tổ đã ký hợp đồng với 4 trong tổng số 6 thôn của xã chuyên làm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổ hợp tác đã gặt 245 ha lúa, xúc được hơn 850 nghìn m3 đất, làm được 170 ha đất. Điểm khác biệt của tổ hợp tác Thống Nhất là đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, tổ sẽ giảm g iá dịch vụ. Nếu như bình thường giá gặt bằng máy là 150 nghìn đồng/sào thì người nghèo hoặc gia đình chính sách chỉ phải trả 100 nghìn đồng.

Thời điểm này, các máy xúc của tổ hợp tác đang hối hả dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng. Anh Vũ Văn Chấn, Bí thư Đoàn xã Thống Nhất, thành viên tổ hợp tác cho biết, dịch vụ của tổ được nông dân sử dụng ngày càng nhiều nên các thành viên đều có kinh tế khá. Điều này đã giúp anh em thanh niên trong tổ phát huy được vai trò làm chủ, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ.

Tráng Liệt là một trong những xã có thế mạnh về nghề cơ khí ở huyện Bình Giang. Thanh niên trong xã đa số theo nghề này hoặc làm cho các doanh nghiệp. Vì thế, thanh niên tham gia sản xuất nông nghiệp rất hiếm hoi. Thế nhưng năm 2009 đã có một số thanh niên cùng chung ý tưởng thành lập mô hình HTX phát triển kinh tế. Từ đó, HTX Dịch vụ thanh niên Thành Công được thành lập với 4 thành viên. Ngoài nuôi gia cầm thương phẩm, HTX còn nuôi gà, vịt sinh sản trên diện tích 2,7 ha. Lúc nhiều HTX nuôi hàng nghìn con gà lấy trứng, hàng trăm con gà Đông Cảo, vịt super bố mẹ. Ngoài ra, HTX còn đào ao để nuôi cá trắm, trôi, mè tạo thêm thu nhập. Anh Quách Công Thọ, thạc sĩ chuyên ngành thú y là người trực tiếp tham gia chăn nuôi tại HTX cho biết, những kiến thức anh đã học được mang ra áp dụng vào chăn nuôi, phòng trừ dịch, bệnh khá hiệu quả. Anh cũng hướng dẫn các xã viên và nhiều người chăn nuôi quy trình phòng bệnh, khôi phục và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Các thành viên gia HTX đều có kinh tế khá.

Hiện nay, xã Tráng Liệt còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ như Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên cơ khí, CLB Thanh niên phát triển kinh tế... Để hỗ trợ, Đoàn Thanh niên xã Tráng Liệt đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp thanh niên vay vốn phát triển sản xuất.

Cần được hỗ trợ nhiều hơn

Ông Phạm Văn Hát, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất (Gia Lộc) cho biết: "Tổ hợp tác Dịch vụ máy nông nghiệp Thống Nhất được thành lập là một nét mới trong phong trào thanh niên nông thôn. Địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên hoàn thành vai trò của mình. Hiện nay, việc dồn điền, đổi thửa của địa phương hầu hết do Tổ hợp tác Dịch vụ máy nông nghiệp của thanh niên thực hiện".

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 20 mô hình CLB, HTX, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế. Tuy mô hình HTX, tổ hợp tác chưa có nhiều, nhưng mô hình CLB thanh niên làm kinh tế giỏi hầu như địa phương nào cũng có. Với phương châm “Mỗi thanh niên, thiếu niên một việc làm tốt, mỗi cơ sở Đoàn, Hội một hoạt động thiết thực, tham gia xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh đoàn chỉ đạo Đoàn thanh niên các cấp chung tay xây dựng nông thôn mới. Để động viên, khích lệ thanh niên tham gia phát triển kinh tế tập thể, các cấp Đoàn, Hội đã chủ động tổ chức các hoạt động trao đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ thông qua các lớp tập huấn, các chương trình dự án, kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả. Qua đó, thanh niên được tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2009-2014, toàn tỉnh tổ chức được 127 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 8.000 đoàn viên thanh niên. Cấp tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân hơn 185,5 tỷ đồng cho gần 11.000 hộ đoàn viên thanh niên, khích lệ thanh niên đoàn kết, sáng tạo, xung kích trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Toàn tỉnh hiện có 45 vạn thanh niên độ tuổi từ 16 - 30, trong đó thanh niên nông thôn chiếm 38,2%. Bộ phận thanh niên này đang cần các cấp, các ngành, các địa phương tích cực ủng hộ, có chính sách hỗ trợ để họ tự chủ phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Các cấp, các ngành cần quan tâm biểu dương, tôn vinh các gương thanh niên, các tập thể làm kinh tế giỏi nhằm tuyên truyền, nhân rộng.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh niên làm kinh tế tập thể