Thanh niên Chí Linh lập nghiệp trên quê hương

01/03/2011 06:04

Những đồi đồi keo, bạch đàn xanh mướt; nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao... Điều đặc biệt nhiều chủ nhân của những mô hình phát triển kinh tế đều là đoàn viên thanh niên của xã.


Mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Vũ Mạnh Hùng ở xã Hoàng Hoa Thám,
mỗi năm thu lãi khoảng 60 triệu đồng


Ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), những đồi vải đã được thay thế bằng đồi keo, bạch đàn xanh mướt; nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi được hình thành mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và điều đặc biệt nhiều chủ nhân của những mô hình phát triển kinh tế đều là đoàn viên thanh niên của xã.

Khu vườn của gia đình anh Vũ Mạnh Hùng rộng 4.500m2. Trước đây, toàn bộ khu vườn của anh trồng chủ yếu là vải thiều, nhưng giá cả không ổn định, hiệu quả không cao. Năm 2006, anh được vay 10 triệu đồng từ quỹ giải quyết việc làm thanh niên và quỹ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn nên anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà và lợn thịt. Hiện nay, trang trại của gia đình anh thường xuyên có 1- 2 nghìn con gà, đàn lợn khoảng 20 con, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh cũng thu lãi  khoảng 60 triệu đồng. Ở xã Hoàng Hoa Thám còn có mô hình của anh Trần Văn Minh cũng do Đoàn xã tạo điều kiện cho vay 8 triệu đồng đầu  tư chăn nuôi gà đồi, mỗi năm trừ chi phí cho thu lãi hơn 70 triệu đồng; mô hình của gia đình chị Hoàng Thị Hiếu (thôn Hố Sếu) vừa trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mỗi năm thu lãi trên 70 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Hữu Vinh nuôi thả gà đồi, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng...

Toàn xã Hoàng Hoa Thám có hơn 60 hộ ĐVTN tham gia phát triển kinh tế, với mức thu nhập từ 70 - 130 triệu đồng/năm. Không chỉ tham gia vận động ĐVTN chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đoàn xã còn phối hợp với các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... tổ chức chuyển giao kỹ thuật cho ĐVTN. Đoàn xã đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho ĐVTN được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Năm 2010, Đoàn xã đã đứng ra tín chấp cho 62 hộ ĐVTN vay với tổng số vốn hơn 1,3 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Anh Phùng Gia Vương, Phó Bí thư đoàn xã cho biết: “Đoàn xã luôn coi phòng trào thanh niên lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tạo điều kiện cho ĐVTN tham gia phát triển kinh tế. Chính vì vậy, nhiều ĐVTN đã làm giàu ngay trên quê hương mình”.

Hiện nay, thị xã Chi Linh có khoảng  120 hộ ĐVTN tham gia phát triển kinh tế với mức thu lãi bình quân từ 40 triệu đồng/năm trở lên, và có sử dụng lao động là thanh niên. Không chỉ tham gia phát triển theo mô hình trang trại đồi rừng, nhiều bạn ĐVTN còn đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Như hộ anh Tạ Đức Cường ở phường Thái Học, làm đại lý cấp I kinh doanh bánh kẹo, dầu ăn..., mỗi năm thu lãi khoảng 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức lương từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng; hộ gia đình anh Đào Văn Cường (Kênh Giang) chuyên cung cấp xăng dầu cho tàu thuyền trên sông, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng... Trong năm 2010, các cấp bộ đoàn trong thị xã đã tạo điều kiện cho 430 hộ ĐVTN vay với tổng số vốn gần 7 tỷ đồng với hơn 30 chương trình dự án, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.000 ĐVTN. Bên cạnh đó, Thị đoàn thường xuyên phối hợp với các ngành, tổ chức chuyển giao kỹ thuật cho ĐVTN. Năm qua, thị xã tổ chức 20 lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho  hơn 1.800 ĐVTN. Thị đoàn phối hợp với các ngân hàng, Khoa Kinh tế (Trường Đại học Sao Đỏ) hướng dẫn cho ĐVTN cách lập, dự trù kinh phí xây dựng các dự án phát triển kinh tế... Cùng với việc tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, các cấp bộ đoàn thị xã còn mở các lớp dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 22 nghìn ĐVTN; có hơn 2.000 bạn ĐVTN đã được giới thiệu việc làm. Thị đoàn còn vận động các doanh nghiệp, đơn vị tham gia tài trợ quỹ học bổng cho ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2010, các cấp bộ đoàn thị xã đã trao tặng học bổng cho 298 ĐVTN với tổng số tiền 125 triệu đồng. Để tạo sự gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau giữa các ĐVTN cùng sản xuất, kinh doanh, các cấp bộ đoàn thị xã thành lập 8 nhóm, câu lạc bộ giúp nhau lập nghiệp, thu hút sự tham gia của đông đảo ĐVTN.

Trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn của thị xã sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội mở thêm các tổ vay vốn tạo điều kiện cho ĐVTN được tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi; mở lớp học nghề, chuyển giao kỹ thuật cho ĐVTN; tiếp tục vận động các hộ ĐVTN chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, thực sự trở thành người đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh niên Chí Linh lập nghiệp trên quê hương