Các hội viên trong CLB thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, ngày công thu hoạch...
Mô hình VAC của anh Quách Công Thọ ở xã Tráng Liệt (Bình Giang) mỗi năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng
Để tập hợp và hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế những năm qua, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) huyện Bình Giang đã xây dựng nhiều câu lạc bộ (CLB), mô hình cho thanh niên.
CLB “Gia đình trẻ”của Đoàn xã Cổ Bì được đánh giá là một mô hình tập hợp và phát huy tốt vai trò của tổ chức đoàn đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp. CLB được thành lập từ năm 2004, với 24 hộ thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại khu chuyển đổi của xã. Năm 1994, anh Phạm Quang Quyện, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã nhận đấu thầu vùng chuyển đổi. Do trước kia là khu lò gạch nên anh phải đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để thu dọn gạch cũ, bắt đầu quy hoạch vùng sản xuất. Anh Quyện vay mượn của bà con, họ hàng, ngân hàng để có vốn đào ao, lập vườn, mua con giống. Những ngày đầu bắt tay vào chăn nuôi, chưa có kinh nghiệm, anh phải tự học hỏi từ bạn bè, học qua sách báo. Không có vốn lớn để đầu tư chuồng trại cùng một lúc nên cứ mỗi vụ được chút lãi nào anh lại xây dựng thêm chuồng trại, quy hoạch khu chăn nuôi. Khu chăn nuôi của anh hiện có 4 mẫu, gồm 8 ao nuôi cá giống và ruộng trồng lúa, trên bờ anh kết hợp chăn nuôi gia cầm, với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng. Hiện nay, gia đình anh chủ yếu xuất bán cá giống, trứng và thịt gia cầm. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu lãi 200 triệu đồng. Vào đợt thu hoạch, gia trại của anh tạo việc làm cho 2-3 lao động, với mức thu nhập từ 100-150 nghìn đồng/người/ngày…
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Vũ Đức Tốn ở thôn Ô Xuyên cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ra khu chuyển đổi từ năm 2006, với diện tích 3.600m2, anh Tốn xây dựng khu chuồng chăn nuôi lợn, kết hợp đào ao thả cá. Năm 2008, anh được Đoàn xã tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để mở rộng khu chuồng trại. Đến nay, khu chăn nuôi của gia đình anh có 20 ô chuồng lợn, bình quân mỗi lứa nuôi từ 100- 120 con lợn thịt, 8 con lợn nái để gây giống. Anh thả hơn 6.000 con cá trắm, trôi, mè, chép… trên hơn 5 sào ao. Trên bờ anh nuôi 300 con gà, vịt, ngan. Ngoài ra, gia đình anh còn mở cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng…
Xã Cổ Bì hiện có 33 mô hình kinh tế trang trại, gia trại của thanh niên với tổng diện tích hơn 10 ha. Từ đầu năm đến nay, Đoàn xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 24 hộ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số dư nợ 480 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Hải, Bí thư Đoàn xã cho biết: CLB thành lập nhằm mục đích tập hợp ĐVTN, qua đó họ giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất, bán con giống, vật tư chăn nuôi. Đặc biệt, CLB phát động hội viên xây dựng quỹ được hơn 48 triệu đồng, để cho hội viên vay mở rộng sản xuất với lãi suất thấp.
Đoàn xã Long Xuyên cũng có nhiều CLB, mô hình phát triển kinh tế, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Xã có 2 CLB “Gia đình trẻ phát triển kinh tế” từ năm 2004, với gần 100 hội viên. Tận dụng lợi thế có đường 194 chạy qua, nhiều ĐVTN đã tập trung đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải ô-tô, kinh doanh đồ gỗ, máy xay xát hay các nghề chế tác vàng bạc… Tiêu biểu như hộ anh Hoàng Lan ở xóm 5. Từ năm 2006, nhận thấy nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất của người dân ngày càng nhiều, anh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nội thất như bàn, ghế, tủ, kệ… Hiện tại, diện tích khu xưởng và kinh doanh của gia đình anh rộng gần 500m2 với số vốn gần 700 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 120 triệu đồng mỗi năm. Anh Vũ Đình Ngọc, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Do đặc thù mỗi hội viên kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, nên các CLB “Gia đình trẻ phát triển kinh tế” được thành lập đã phát huy vai trò tập hợp anh em làm kinh tế trong tổ chức hội, tạo sự gắn bó giữa các hội viên. Từ đầu năm đến nay, Đoàn xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1,5 tỷ đồng cho 105 hộ ĐVTN vay vốn phát triển sản xuất".
Huyện Bình Giang hiện có 41 CLB thanh niên phát triển kinh tế, giúp nhau lập nghiệp. Các hội viên trong CLB thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhau về giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, ngày công thu hoạch... Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội 20,3 tỷ đồng cho 1.248 lượt ĐVTN vay vốn. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên, tư vấn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp…
TÂM PHÚC