Thanh minh

03/04/2011 07:57

Thanh minh năm nào tôi cũng về quê thắp hương!

Xa quê bao nhiêu năm, mỗi lần về thăm, thấy cái gì như cũng nhỏ đi một chút, thấp hơn một chút. Ao đình ngày xưa rộng mênh mông là thế, giờ thấy còn toen hoen một vạt ao tù. Cây đa ba thân đứng trên bến nước xòe tán phủ rợp cả một khoảnh sân đình, rợp cả cầu ao đá thênh thênh, giờ cỗi cằn, xơ  xác. Như người đã già, cây đa cũng còng hẳn xuống, thấp hẳn đi… Nhưng chỉ có nghĩa địa làng là cứ rộng thêm, rộng thêm ra mãi. Bao nhiêu là mộ lô xô, cái lớn, cái nhỏ, cái xây cất cầu kỳ, cái giản đơn, chen lẫn những nấm mộ vừa được đắp, cỏ chưa kịp bén xanh và vòng hoa chất trên mộ chưa kịp úa tàn…

Chẳng ngày nào nghĩa địa làng tấp nập bằng ngày thanh minh. Nhà nào, họ nào cũng có người mang hương hoa, liềm, cuốc ra tảo mộ. “Thanh minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Hội thì không thấy có, chứ phần lễ tảo mộ bao giờ cũng được dân làng thực hiện trang trọng và nghiêm cẩn. Hương được thắp lên trên mỗi ngôi mộ. Sau khi khấn khứa, cháu con sẽ sửa sang từng ngôi mộ. Có nhà mang cả vôi ra quét lên mộ trông cho “khang trang” hơn. Còn lại đa số là quét dọn, cắt cỏ, trồng cây, sửa đường đi lối lại. Tiếng chào hỏi, chuyện trò râm ran góc này, góc kia. Cũng có những người khóc sụt sùi bên những nấm mộ còn mới. Có những ông bà già giảng giải cho lũ con cháu về dòng họ, về vai vế những con người đang nằm dưới mộ. Bao nhiêu câu chuyện về người đã khuất được nhắc lại trong những dòng tưởng nhớ bồi hồi…

Cách nghĩa địa một quãng ngắn có một cây bàng rất to bên cạnh hồ nước quanh năm đầy ăm ắp. Người đi làm đồng thường nghỉ chân dưới bóng cây. Mỗi khi đưa người chết ra đồng, đám đưa tang bao giờ cũng dừng chân nơi tán cây bàng để thợ kèn thổi một bài dài tiễn biệt lần cuối. Trong ký ức ấu thơ của tôi, cây bàng luôn là ranh giới phân biệt hai cõi âm dương. Từ gốc bàng hất về làng là cõi của người sống, còn từ cây bàng hất ra nghĩa địa là cõi của người đã chết. Chính vì vậy, những lần được ông bà sai mang nước ra đồng cho thợ cấy, thợ gặt, bao giờ tôi cũng cắm đầu cắm cổ chạy ù qua gốc bàng, ngay cả khi có bao nhiêu người đang ngồi nghỉ, ồn ào trò chuyện, nói cười. Tôi luôn tưởng tượng trên tán bàng âm u, rậm rạp kia có biết bao linh hồn đang trú ngụ. Và những người lớn cũng thường đồn thổi, vào đêm không trăng, thường có tiếng chuyện trò, than khóc hoặc tiếng hát cất lên từ phía cây bàng…

Nhưng lớn lên, mỗi thanh minh về quê, thắp hương xong tôi thường ra gốc bàng ngồi, nhìn về phía nghĩa địa. Khói hương trên những ngôi mộ cuộn lên mờ ảo trong mưa xuân lay phay. Trước mắt tôi không còn những ngôi mộ, không còn người đi lại, thắp hương mà chỉ thấy hiện lên những người đã khuất. Họ là những người tôi từng biết mặt. Là những người thân thiết của tôi. Bây giờ, họ nằm cả nơi này. Tôi tin, trong ngày thanh minh, những người đã khuất đều theo khói hương hiển hiện. Họ thăm nhà, thăm những người còn sống, thăm cánh đồng, dòng sông, ao đình, chùa làng… như những ngày còn trên dương thế. Thanh minh là ngày gặp gỡ, ngày hội tụ âm dương, ngày hai cõi không còn cách trở. Cảm giác cái chết chỉ là một cuộc đi xa. Những người lớn tuổi đi tảo mộ, còn chỉ cho con cháu những mảnh đất “xí phần”, mãn nguyện khi nhìn thấy trước chỗ mình sẽ nằm nay mai, biết trước được cả những “hàng xóm” cõi âm của mình. Nghĩa địa làng là “điểm hẹn” cuối cùng của mỗi cuộc đời, là nơi hội tụ đông đủ nhất của biết bao thế hệ. Nghĩ thế, thấy cái chết không còn đáng sợ, mà nhẹ lòng hơn. Chỉ đáng sợ khi giữa tiết thanh minh, mà ngôi mộ nào đó lại chỉ run rẩy mấy chân hương làm phúc…

Và cứ mỗi mùa xuân, sau Tết Nguyên đán, tôi lại chờ đợi thanh minh; chờ đợi ngày được gặp gỡ tất cả những người thân đã khuất của mình sau làn khói hương mờ ảo.

Tản văn của VIỆT NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh minh