Thanh Miện: Nhiều trường mầm non bị xuống cấp

07/12/2016 06:28

So với các địa phương khác, huyện Thanh Miện còn nhiều trường mầm non xuống cấp, các điểm trường nhỏ lẻ nằm rải rác ở các thôn làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.



Do thiếu lớp nên các cháu phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn An Khoái


Điểm trường nhỏ lẻ

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 mới xây, cô Đinh Thị Thiết, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Trào kể: "Phải mất 2 năm huy động từ nguồn xã hội hóa chúng tôi mới đủ tiền để xây tạm nhà làm việc cho cán bộ, giáo viên trong trường. Trước đây, nếu có khách về thăm trường chúng tôi phải tiếp ngoài hành lang hoặc trong phòng bếp chật hẹp".

Dẫn chúng tôi đi thăm ngôi trường, cô Thiết cho biết đây là điểm trường trung tâm của xã nên khang trang nhất. Năm 2005-2006, trường được đầu tư xây dựng dãy nhà 2 tầng 6 phòng học, mỗi phòng rộng 54 m2 cho 35 trẻ. Tuy nhiên, trường không có phòng chức năng, các hoạt động như học, ăn, ngủ... đều chung một phòng nên rất bất tiện cho các cháu.

Ngoài điểm trường trung tâm, Trường Mầm non xã Tân Trào còn có 7 điểm trường nhỏ lẻ khác nằm ở các thôn, có điểm trường phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn, nhà kho của tập thể cũ. "Phần lớn các lớp học này đều là nhà cấp 4, bán kiên cố, mỗi phòng học chỉ rộng hơn 20 m2. Có 3 lớp các cháu phải học ghép trẻ 3 tuổi và nhà trẻ nên chất lượng giáo dục không bảo đảm. Nhiều nơi tường bị ẩm mốc, bong tróc, trời mưa nước ngấm vào tường. Hằng năm, nhà trường đều dành một khoản kinh phí để tu sửa các điểm trường nhưng do cơ sở vật chất xuống cấp nên việc tu sửa chỉ duy trì được một thời gian rồi đâu lại về đấy", cô Thiết cho biết thêm. Do các điểm trường nhỏ lẻ nên tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường chỉ đạt từ 36-40%; tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 49%, thấp hơn nhiều so với các trường khác. Nhiều phụ huynh có nhu cầu cho trẻ ăn bán trú nhưng nhà trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất nên không dám nhận.

Khoảng 10 năm trước, Trường Mầm non Tứ Cường từng là trường điểm của Thanh Miện do có cơ sở vật chất khang trang nhất huyện, nhưng đến nay ngôi trường này đã xuống cấp. Trên tường vôi vữa đã bong tróc, hệ thống cửa đều bị mối mọt làm hư hại. Để bảo đảm an toàn cho trẻ, nhà trường phải dùng tôn để ốp lên. Trường có 4 điểm lẻ với tổng số 25 phòng học, trong đó có 1 điểm trường nằm ở nhà văn hóa của thôn An Khoái. Mỗi phòng học chỉ rộng 25 m2 với hơn 30 trẻ, có lớp lên tới 42 trẻ, kém xa so với chuẩn của trường mầm non là diện tích lớp học tối thiểu phải đạt 10 m2/trẻ. Diện tích lớp học nhỏ, số lượng trẻ đông nhưng mỗi lớp chỉ có 1 bóng đèn nhỏ, không bảo đảm ánh sáng cho các cháu sinh hoạt, học tập.

Cô Vũ Thị Yêu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tứ Cường giải thích: "Hệ thống điện của nhà trường bị xuống cấp, thường xuyên quá tải, chúng tôi muốn nâng cấp đường điện lên nhưng không có kinh phí. Mỗi lớp chỉ có 1 bóng đèn nhỏ nhưng rất hay bị cháy. Tuần nào nhà trường cũng phải gọi thợ tới sửa chữa. Mỗi năm, nhà trường dành hơn 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để tu sửa các điểm trường, nhưng chưa thấm tháp vào đâu".

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 tuổi cho biết: "Lớp tôi học nhờ ở nhà văn hóa của thôn An Khoái nên mỗi khi thôn họp lại phải dồn các cháu xuống các lớp khác, sau đó các cô phải bê đồ dùng học tập của các cháu ra ngoài. Mỗi tháng thôn tổ chức họp 3 - 4 lần nên việc học tập của các cháu khá vất vả".

Thiếu vốn

"Sau khi dồn điền, đổi thửa, xã Tứ Cường đã quy hoạch được khu đất rộng khoảng 18.000 m2 để xây dựng trường mầm non tập trung nhưng không có kinh phí đầu tư. Hằng ngày, giáo viên vẫn phải di chuyển từ điểm trường này sang điểm trường kia rất vất vả", cô Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tứ Cường Vũ Thị Yêu cho biết.

Khác với xã Tứ Cường, sau khi dồn điền, đổi thửa, xã Tân Trào vẫn chưa quy hoạch được khu đất dành riêng cho trường mầm non.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thanh Miện còn nhiều trường mầm non có cơ sở vật chất xuống cấp như ở các xã Thanh Tùng, Tân Trào. Các trường này đều được xây dựng từ lâu nhưng do các địa phương thiếu kinh phí đầu tư nên cả cô trò phải dạy và học trong điều kiện rất khó khăn.

Hằng năm, huyện Thanh Miện đều dành một nguồn kinh phí để đầu tư cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, số tiền này chỉ đủ để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường, bảo đảm tối thiểu theo quy định của ngành. Để đầu tư xây dựng được các trường mầm non đạt chuẩn thì cần số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách của xã và huyện thì không thể đủ kinh phí. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ các trường, nhất là các trường thuộc các xã vùng xa trung tâm huyện.

Theo ông Trần Xuân Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Miện, để cải thiện cơ sở vật chất trường học thì trong quá trình xây dựng nông thôn mới các xã cần chủ động đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu ngân sách của địa phương, dành một phần để đầu tư cơ sở vật chất giáo dục. Các trường có kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, tiết kiệm nguồn kinh phí chi khác để tăng cường mua sắm, bổ sung trang thiết bị phòng chức năng, phòng học… Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất và tạo cảnh quan môi trường.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện: Nhiều trường mầm non bị xuống cấp