Thanh Miện nâng cao hiệu quả công tác DS-KHHGĐ

19/04/2010 07:18

Để nâng cao hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, Thanh Miện đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc SKSS, từng bước tạo cơ sở vững chắc để ổn định và nâng cao chất lượng DS.


Tư vấn sức khỏe sinh sản tại xã Phạm Kha (Thanh Miện)

Thanh Miện là một huyện nông nghiệp, xa trung tâm tỉnh nên việc tiếp cận với các kiến thức về dân số (DS) - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác DS - KHHGĐ, Thanh Miện đã tích cực đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc SKSS, từng bước tạo cơ sở vững chắc để ổn định và nâng cao chất lượng DS.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ, Thanh Miện đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục gắn với việc áp dụng các biện pháp tránh thai với quy mô gia đình chỉ sinh từ 1 tới 2 con. Thông qua các hoạt động truyền thông đã dần tạo nhận thức của người dân trong việc sinh ít con để nuôi dạy con tốt. Theo thống kê, năm 2007 toàn huyện có 15 thôn không có người sinh con thứ 3. Trong đó, thôn Đồng Chấm (xã Tiền Phong) 10 năm liền và thôn Hùng Sơn (xã Hồng Quang) 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 100% kế hoạch; số trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 13,2%, giảm 0,5% so với năm 2006. Đến năm 2009, vẫn có 100% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 1,7%, giảm 1,2% so với năm 2007. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, bảo vệ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động của các mô hình “Tư vấn và kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân”, câu lạc bộ (CLB) "không sinh con thứ 3”; mô hình "Gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng”…

Để đạt được kết quả đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Thanh Miện đã đưa nội dung chính sách DS-KHHGĐ vào quy ước, hương ước của từng thôn, khu dân cư, lồng ghép với cuộc vận động xây dựng làng, khu dân cư văn hoá. Hiện 19 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 với hơn 1.000 hội viên duy trì sinh hoạt thường xuyên. Các biện pháp tránh thai được đa dạng hoá bằng nhiều hình thức như: đặt vòng, tiêm và uống thuốc tránh thai… Các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ cũng góp phần giảm sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, nhiều hoạt động lồng ghép dịch vụ KHHGĐ với việc phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản và HIV/AIDS được đông đảo phụ nữ hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực. Chị Lê Thị Dịu ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha, cho biết: Thông qua các chiến dịch truyền thông DS, nhất là qua sinh hoạt tại CLB "Không có người sinh con thứ 3", chúng tôi có thêm kiến thức về SKSS và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện tốt công tác DS của địa phương mình.

 Cùng với nhiều hoạt động truyền thông của Trung tâm DS huyện, ngành y tế Thanh Miện cũng đã tích cực triển khai các dịch vụ chăm sóc SKSS tại các trạm y tế xã để giúp phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận dễ dàng hơn các hoạt động y tế với mức chi phí thấp. Hằng năm, việc bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hoá được rà soát kỹ về việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ, việc nuôi dạy con và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình; công tác bà mẹ trẻ em từng bước được nâng cao góp phần giảm tỷ lệ số người mắc bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và nâng cao hiệu quả của dự án kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân. Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình dân số gia đình và trẻ em đã kịp thời uốn nắn những hạn chế thiếu sót nhằm bảo đảm đúng chương trình, mục tiêu đã định. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã huy động được sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo đảm chất lượng dân số. Trung tâm DS-KHHGĐ thường xuyên tổ chức, thu thập dữ liệu về dân số đầy đủ, chính xác, kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phục vụ việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động về công tác DS - KHHGĐ ở Thanh Miện còn gặp không ít khó khăn và trở ngại, hiệu quả tuyên truyền ở nhiều nơi vẫn chưa cao do khả năng tiếp cận những thông tin mới về DS - KHHGĐ, chăm sóc SKSS, vấn đề về giới, bình đẳng giới… còn nhiều hạn chế. Tư tưởng cho rằng thực hiện công tác DS - KHHGĐ là việc của phụ nữ vẫn còn tồn tại nên sự sẻ chia trách nhiệm trong lĩnh vực này còn quá ít. Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn nặng nề khiến các cộng tác viên dân số còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động.

Để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông dân số, nhất là việc nâng cao chất lượng dân số, trong thời gian tới, Thanh Miện tiếp tục đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền về DS- KHHGĐ, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ cộng tác viên dân số. Huyện phấn đấu năm 2010 giảm tỷ lệ sinh con thứ ba còn dưới 10%, từng bước nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế  - xã hội của địa phương.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện nâng cao hiệu quả công tác DS-KHHGĐ