Thời gian qua, huyện Thanh Miện đã có nhiều cách diệt chuột hiệu quả, góp phần bảo vệ mùa màng, nâng cao năng suất, hạn chế diện tích ruộng bỏ hoang.
Mỗi ngày, các tổ sản xuất tại xã Tứ Cường đánh bắt được từ 200-300 con chuột (ảnh cơ sở cung cấp)
Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay thì Thanh Miện lại có nhiều cách diệt chuột đem lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ mùa màng, nâng cao năng suất.
Những năm trước, chuột hoành hành cắn phá ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng ở xã Tứ Cường. Xác định diệt chuột là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ mùa màng, từ năm 2019 đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) xã Tứ Cường đã triển khai nhiều đợt diệt chuột hiệu quả. Điển hình là phong trào diệt chuột tập trung (mỗi năm từ 10-15 đợt) với sự tham gia của toàn dân bằng nhiều hình thức như: đặt mồi, đặt bẫy, đào hang đánh bắt, soi đèn, vây lưới... Cùng với đó là tổ chức đặt bẫy, đánh mồi sinh học hằng ngày. Nhờ đó, diện tích cây trồng bị chuột phá hoại ở đây giảm dần theo từng năm. "Xã Tứ Cường có 18 tổ sản xuất phụ trách hơn 500 ha trồng lúa và hoa màu. Nông dân đang gieo cấy vụ mùa nên việc đánh bắt chuột cũng khẩn trương hơn. Ngoài đặt bẫy, đánh mồi, các xã viên còn chủ động tìm diệt chuột tại hang để nâng cao hiệu quả. Trung bình mỗi ngày các tổ sản xuất đánh bắt được từ 200-300 con chuột", ông Nguyễn Văn Thượng, Giám đốc HTX DVNN xã Tứ Cường cho biết.
Ngô Quyền là một trong những xã có diện tích gieo cấy lớn nhất huyện. Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, nhiều hộ dân trong xã đứng ra gom ruộng ở các khu vực khó canh tác để sản xuất tập trung. Hiện toàn xã có gần 100 hộ tích tụ từ 3-30 mẫu. Theo HTX DVNN xã Ngô Quyền, tại các vùng trồng lúa tập trung, người dân thường gieo cấy một vùng-một giống-một thời điểm nên việc đánh bắt chuột tiện lợi và hiệu quả hơn nhiều. Việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hoá tại những vùng sản xuất này cũng góp phần giảm thiệt hại do chuột gây ra. Ngoài ra, khi người dân gieo cấy trên diện tích lớn thì việc phối hợp với các xã viên trong khâu bảo vệ mùa màng cũng gắn kết hơn.
Nhiều năm liền, xã Ngũ Hùng hầu như không có diện tích lúa bị chuột phá hoại nghiêm trọng. Để chủ động bảo vệ mùa màng, các tổ sản xuất tại đây thường tập trung diệt chuột vào đầu vụ gieo cấy và mùa sinh sản của chuột. Đây là giai đoạn dễ đánh bắt và có thể quyết định đến năng suất cả vụ. Ông Khương Đình Đôn ở thôn Tiêu Lâm được người dân gắn cho biệt danh "vua chuột" chia sẻ: "Thay vì sử dụng các loại thuốc hoá học, tôi sử dụng châu chấu để làm mồi nhử vì chuột rất thích ăn loại côn trùng này. Ngoài ra, tôi còn tự mày mò chỉnh sửa và nghiên cứu ra nhiều loại bẫy khác nhau với khả năng đánh dính cao hơn 20% so với bẫy chuột thông thường. Đến nay, hầu hết các tổ sản xuất trong xã đều áp dụng phương pháp đánh bẫy vừa bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả cao".
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, năm 2019 UBND huyện ban hành "Đề án hướng dẫn tổ chức thực hiện khâu dịch vụ đánh bắt diệt chuột" đã giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức giá DVNN, mô hình tổ chức, cách thức hoạt động... Việc ban hành đề án cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến phong trào diệt chuột của huyện. Ngoài sử dụng 20% kinh phí được trích từ nguồn thu DVNN, mỗi vụ huyện còn hỗ trợ các địa phương 0,1kg thuốc chuột/ha. Nhờ đó, phong trào diệt chuột ở các địa phương diễn ra rất sôi nổi. Những năm gần đây, người dân ở Thanh Miện không còn lo chuột hoành hành.
Diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn huyện Thanh Miện hiện còn 35 ha, giảm 16ha so với năm 2021. "Do làm tốt việc diệt chuột, diện tích lúa bị gây hại trên địa bàn rất ít. Vụ xuân vừa qua, năng suất lúa bình quân của huyện đạt 67 tạ/ha, cao hơn bình quân của tỉnh 1 tạ/ha. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất huyện nâng mức hỗ trợ thuốc diệt chuột cho các địa phương...", Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện Phạm Thị Nhung nói.
ĐỖ QUYẾT