Thanh Miện giảm diện tích trà xuân sớm

26/01/2010 00:00

Các giống lúa trà sớm có ưu điểm chất lượng gạo khá, phù hợp cấy ở chân trũng, nhưng thời tiết bất thường thì năng suất không cao. Do vậy, nông dân nên giảm dần, ổn định ở mức 20-25% tổng diện tích gieo cấy.


Nông dân xã Lam Sơn cấy trà xuân sớm bằng mạ non

Trong 3 năm trở lại đây, diện tích trà xuân sớm của huyện Thanh Miện đãgiảm 10%. Đó là việc làm góp phần nâng cao hiệu quả thâm canh lúa vụxuân.

Những ngày này, nông dân Thanh Miện bắt đầu vào vụ cấy lúa trà xuân sớm. Cơn mưa vừa qua khiến nông dân Thanh Miện vui như "bắt được vàng". Sau những tháng khô hạn, những trận mưa đã bảo đảm đủ nước để cấy lúa trà sớm. Từ sáng sớm ngày 22-1, ông Nguyễn Hữu Đoàn, 54 tuổi ở xã Lam Sơn đã tất tả đi tháo nước ở ruộng ra mương để cấy bằng mạ non không bị ngập. "Nhà tôi đã chuẩn bị đi tát nước thì trời đổ mưa. Bây giờ những ruộng lúa cấy sớm không lo thiếu nước nữa", ông Đoàn vui mừng cho biết.

Xã Lam Sơn có diện tích cấy lúa là 457ha, trong đó 2/3 là chân ruộng trũng. Cách đây 3 năm, diện tích lúa cấy trà xuân sớm của xã chiếm khoảng 50% tổng diện tích gieo cấy. Tới vụ chiêm xuân năm ngoái, diện tích trà sớm giảm xuống chỉ còn 25%, còn lại 75% là xuân muộn. Trước mỗi vụ sản xuất, chính quyền xã Lam Sơn đã chủ động đề ra kế hoạch giảm diện tích xuân sớm và tích cực vận động nhân dân thực hiện. Chị Nguyễn Thị Xuân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lam Sơn cho biết: Qua thực tế sản xuất, những giống cấy trà sớm phải mất nhiều công chăm sóc, phòng trừ dịch hại, năng suất thấp hơn trà xuân muộn. Do vậy, nông dân đã chủ động giảm diện tích. Trong vụ này, xã Lam Sơn có kế hoạch cấy 25% diện tích xuân sớm, chủ yếu bằng các giống: X21, Xi23. Diện tích trà xuân muộn chiếm 75%, chủ yếu là giống lúa lai và lúa chất lượng cao. HTX Dịch vụ nông nghiệp và Hội Nông dân xã đã cung ứng được 1,7 tấn giống lúa các loại và 31 tấn phân bón cho nông dân. Toàn xã đã hoàn thành việc nạo vét 15 nghìn m3 đất trong đợt làm thủy lợi đông xuân, vượt 500m3 so với kế hoạch. Phương án chống hạn cũng đã được vạch sẵn từ đầu vụ. Nếu trường hợp hạn nặng xảy ra, HTX phối hợp với các đơn vị khác dùng máy bơm dã chiến để bơm nước ở những chân ruộng cao. Những diện tích quá thiếu nước sẽ được chuyển sang trồng cây rau màu vụ xuân. Hiện nay, tranh thủ con nước nông dân trong xã đã bừa ngả được 70% diện tích gieo cấy.

Trên cánh đồng thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng, mực nước tại các con mương và trong ruộng đủ để cấy. Chị Nguyễn Thị Quyến, một nông dân cho biết: Trước kia, nhà tôi thường cấy 70% diện tích trà sớm. Hiện nay, diện tích trà sớm giảm chỉ còn khoảng 50%, nhường chỗ cho trà muộn cấy bằng mạ trên sân và gieo vãi. Vụ này, chị Quyến cấy hơn 5 sào, trong đó một nửa diện tích là trà xuân sớm, chủ yếu cấy giống Q5 ở chân vàn trũng. Mạ năm nay ít sâu bệnh, đanh dảnh.Vụ xuân này, xã Ngũ Hùng có kế hoạch gieo cấy 462ha, trong đó trà xuân sớm chiếm 25% diện tích, còn lại là trà muộn. Con số này đã có sự chuyển biến rõ rệt so với 3 năm trước. Khi đó, diện tích trà sớm của xã vẫn còn khoảng 40%. Các giống lúa cấy trà sớm là những giống dài ngày như: 13/2, X21, Xi23, phù hợp với cấy ở chân trũng và vàn trũng. Để bảo đảm đủ nước phục vụ cấy lúa, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Ngũ Hùng đã chủ động lấy nước ở các con triều, bơm nước kịp thời, sử dụng nước tiết kiệm. Hiện nay, nông dân tập trung đổ ải, làm đất, gieo cấy trà sớm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, huyện có kế hoạch gieo cấy 6.800ha lúa trong vụ xuân năm nay, năng suất lúa phấn đấu đạt 68 tạ/ha. Trong đó, 20-25% diện tích cấy lúa trà sớm (chủ yếu là giống X21, Xi23, 13/2) ở chân trũng. Trà xuân muộn gồm những giống ngắn ngày, chịu thâm canh, thời tiết khá thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển, nên huyện phấn đấu gieo cấy 75-80% diện tích, gồm các giống như: lúa lai, lúa chất lượng cao, TBR1, Q5, nếp... Các xã có điều kiện có thể mở rộng diện tích trà muộn lên 80-90% diện tích. Ông Nguyễn Viết Bàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Các giống lúa trà sớm có ưu điểm là chất lượng gạo khá, dễ thâm canh, phù hợp cấy ở chân trũng, nhưng những năm thời tiết rét đậm, rét hại hoặc ấm thì năng suất không cao. Do vậy, huyện tập trung khuyến cáo nông dân giảm dần, ổn định diện tích này ở mức 20-25% tổng diện tích gieo cấy. Tính đến ngày 23-1, nông dân trong huyện đã cấy được hơn 100ha trà sớm. Hiện nay, thời tiết rét đậm, huyện khuyến cáo nông dân chủ động ngừng cấy để đợi tiết trời   ấm hơn.

NINH TUÂN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện giảm diện tích trà xuân sớm