Thanh Miện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

02/08/2014 04:15

Việc áp dụng cơ giới vào sản xuất sau dồn điền, đổi thửa ở Thanh Miện đã tạo ra những hiệu quả rõ rệt.



Đưa máy móc vào đồng ruộng giúp giảm sức lao động của người dân

Giảm sức lao động

Những năm gần đây, nông nghiệp huyện Thanh Miện đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa máy móc cơ giới vào sản xuất, dần thay thế thao tác thủ công của nông dân. Thực hiện chủ trương DĐĐT, đến nay toàn huyện đã có 11 trong tổng số 19 xã, thị trấn DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Trước khi DĐĐT trung bình mỗi hộ có từ 7-8 sào nhưng phân bố từ 5-10 mảnh ở những vị trí khác nhau. Hiện nay, nhiều hộ chỉ có từ 1-2 mảnh, thuận lợi cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng.

Anh  Cao Văn Lâm ở thôn Vũ Xá, xã Ngô Quyền là người đi đầu trong việc thuê ruộng và đưa máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, thấy bà con trong thôn bỏ nhiều ruộng tại khu đồng Con Cá do cấy kém hiệu quả, anh đã nhận toàn bộ 5 ha ruộng này và nhận thêm 16 ha ruộng tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang) để gieo cấy. Anh dồn các thửa vào thành những lô lớn và gieo cấy lúa chất lượng cao. Thực hiện kế hoạch này anh đã vay gần 2 tỷ của ngân hàng để đầu tư toàn bộ hệ thống máy cày - lồng, máy gặt, máy cấy và xây gần 800 m2 xưởng gieo mạ. Cùng với đó, anh áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, xử lý giống, gieo cấy, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh. Anh Lâm chia sẻ: "Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu trên mạng in-tơ-nét cũng như đi thực tế cánh đồng mẫu lớn ở một số địa phương, tôi thấy việc DĐĐT tiện lợi áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa máy cấy, máy gặt vào sản xuất để giảm chi phí lao động và tăng năng suất, khắc phục được tình trạng thiếu lao động".

Cũng như anh Lâm, bà Vũ Thị Đắng ở thôn Đông La, xã Hồng Quang cũng đã mạnh dạn áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa mùa xanh tốt của gia đình, bà cho biết, trước đây khi chưa DĐĐT bà có hơn 1 mẫu ruộng nằm ở 6 vị trí khác nhau. Sau khi DĐĐT gia đình bà chỉ còn 2 mảnh ruộng, diện tích mỗi mảnh tăng lên gấp 3 lần. Bà Đắng phấn khởi: "Từ sau khi DĐĐT, diện tích ruộng tập trung lại một vùng nên sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi gặp nhiều thuận lợi. Các loại máy móc có thể vào tận ruộng, tưới tiêu dễ dàng, giảm sức lao động thủ công. Hiện tại, gia đình tôi đã đầu tư được một máy gặt, một máy cày để phục vụ sản xuất của gia đình và bà con trong xã".

Ông Nguyễn Đình Triện, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Quang cho biết, vụ chiêm xuân năm 2013 - 2014, xã có 50 ha lúa ở thôn Đông La và Đông Bích đưa máy móc cơ giới vào sản xuất. Trong đó có 10 ha là cơ giới đồng bộ từ cày lồng đất bằng máy kéo lớn, tới gieo mạ khay, cấy máy, gặt đập liên hợp. Trước đây, khi chưa DĐĐT, việc đưa cơ giới vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn, do diện tích nhỏ lẻ. Khi DĐĐT, cánh đồng mẫu lớn được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi để đưa máy móc vào sản xuất cùng với áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong tất cả các khâu đạt kết quả cao, rút ngắn được thời gian thu hoạch lúa, giảm chi phí sản xuất, giảm sức lao động của nông dân.

Hiệu quả kinh tế cao


Nhiều năm nay, việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp ở Thanh Miện cũng như nhiều địa phương khác còn hạn chế, chủ yếu mới cơ giới hóa được khâu làm đất, thuỷ nông và phòng trừ sâu bệnh. Việc cấy bằng máy, gặt đập liên hợp chưa được áp dụng rộng, do tình trạng ruộng đất manh mún, tập quán canh tác cũ chưa được thay đổi.

Từ năm 2012 đến nay, thông qua Hội Nông dân huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện đã hỗ trợ, giúp nông dân mua 35 máy cày, 8 máy gặt, 2 máy cấy và 7 máy tuốt lúa với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng. Nhờ đó, khâu làm đất, thuỷ nông tỷ lệ cơ giới đạt khoảng 98%, tuốt lúa đạt 85%, gặt đập liên hợp đạt 15%. Việc áp dụng đồng bộ cơ giới trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Do việc quy vùng sản xuất tập trung, áp dụng một vùng, một giống, một thời gian, nên hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của bà con nông dân và các cán bộ chuyên môn, lúa được sản xuất theo mô hình cơ giới đồng bộ không chỉ giúp tăng năng suất từ 10-20%/ha, mà còn giảm được chi phí đầu vào từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ. Áp dụng máy móc cơ giới còn giúp tiết kiệm được nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động, nên lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công từ 5-6 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Vũ Thế Sáng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết: Với kết quả bước đầu này, thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục chỉ đạo cho các xã nhanh chóng hoàn thành DĐĐT trong năm 2015 để tạo điều kiện đưa cơ giới vào ruộng đồng.

Việc cơ giới hoá sản xuất ở Thanh Miện đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu, luân canh cây trồng, tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế. Cơ giới hóa đồng bộ còn giúp giải phóng sức lao động của nông dân, khắc phục sự thiếu hụt lao động, nâng cao đời sống của người dân.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp