Thanh Miện chủ động phòng, chống hạn

14/12/2010 22:05

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Thanh Miện đã sớm xây dựng phương án chống hạn với mục tiêu bảo đảm đủ nước cho sản xuất vụ chiêm xuân 2011 cũng như trên 1.000 ha chuyển đổi, nuôi trồng thuỷ sản và hoa màu của địa phương.


Sử dụng máy xúc loại nhỏ nạo vét kênh mương nội đồng ở xã Đoàn Kết

Thanh Miện có 8.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích gieo cấy hằng năm là 7.200 ha. Do địa hình phức tạp, cao độ xen kẽ từ 0,8-3m, việc cung cấp nước đổ ải và tưới dưỡng trong vụ chiêm xuân gặp rất nhiều khó khăn.

Thanh Miện có 8 trục sông chính làm nhiệm vụ vừa dẫn nước tưới vừa tiêu úng. Những năm gần đây, do mực nước sông Hồng xuống thấp, hệ thống Bắc Hưng Hải không đáp ứng đủ nhu cầu nước đầu vụ cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích chủ yếu tận dụng nước triều cường qua hệ thống sông Cửu An khu vực hạ lưu Neo. Một số trạm bơm ở vị trí cao không đủ nước bơm trong thời kỳ đổ ải. Qua theo dõi, mực nước trục sông chính hệ thống Bắc Hưng Hải tại Neo thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm. Nếu như năm 2006, mực nước trung bình là 1,06m, thì năm 2010 mực nước trung bình chỉ còn 0,69m. Đến nay, mực nước dao động từ 0,73 - 0,85m, dưới mực nước thiết kế 12cm.

Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) huyện đang quản lý 31 trạm bơm với 75 máy, tổng công suất 88.500m3/h. Những trạm bơm tưới đều được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, mực nước thiết kế bể hút thường từ 0,5 m trở lên, cao trình đáy - 0,5m. Quá trình sử dụng, đáy bể hút bị bồi lắng nhiều, khó khăn trong việc bơm hút. Ngoài ra, các địa phương còn quản lý 87 trạm bơm dã chiến và điểm bơm di động. Tuy nhiên, các trạm bơm này hoạt động không hiệu quả vì cao trình đặt máy cao, kênh dẫn và bể hút chưa được nạo vét thường xuyên. Hệ thống kênh dẫn vẫn chưa bảo đảm và đồng bộ theo yêu cầu thiết kế. Mực nước thấp, lòng kênh thu hẹp, lượng nước trữ trên các trục kênh dẫn ít, có lúc không bảo đảm cho máy bơm hoạt động. Bên cạnh đó, hệ thống kênh cấp 3 chưa hoàn chỉnh, hệ thống kênh xây có cao trình đáy cao hơn kênh đất, nhiều chỗ không bảo đảm đưa nước vào ruộng. Tại những khu vực bắc sông Neo, nhiều trạm bơm có kênh dẫn dài như Phạm Lý, Phạm Xá (Ngô Quyền), Tòng Hoá, Thủ Pháp (Đoàn Kết)..., việc lấy nước từ các trục sông chính gặp nhiều khó khăn. Một số trạm bơm có kênh dẫn bị bồi lắng nhiều, nhưng việc nạo vét khó vì các kênh này chạy qua khu dân cư như trạm Quán Khoang, Lam Sơn, Phạm Xá. Còn khu vực nam sông Neo, mặc dù có cốt đất thấp hơn khu bắc, song các trạm bơm đều xa nguồn nước từ 1,5 km trở lên. Thêm vào đó, những năm gần đây, việc lấy nước tự chảy từ hệ thống Bắc Hưng Hải không thực hiện được vì mực nước thường thấp hơn cốt đất tự nhiên rất nhiều. Những nguyên nhân này khiến nhiều diện tích của huyện bị hạn cục bộ trong vụ chiêm xuân 2009 - 2010, các địa phương phải huy động các máy bơm điện dã chiến và các điểm bơm dầu lưu động khắc phục, bảo đảm gieo cấy kịp thời vụ.

Đến hết ngày 12 - 12, toàn huyện đã đào đắp được 322.886 m3 thủy lợi đông xuân, đạt 89% kế hoạch. Dự kiến, đến hết 20 - 12, Thanh Miện sẽ hoàn thành kế hoạch, sẵn sàng lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất. Huyện khuyến cáo nông dân sử dụng nước tiết kiệm bằng cách khi đổ ải cần hoành triệt tất cả các cửa cống để giữ nước trên mặt ruộng; cấy một vùng, một giống, một thời vụ để thuận lợi trong lấy nước đổ ải và tưới dưỡng.
Trước những khó khăn trên, huyện Thanh Miện đã sớm xây dựng phương án chống hạn với mục tiêu bảo đảm đủ nước cho sản xuất vụ chiêm xuân 2011 cũng như trên 1.000 ha chuyển đổi, nuôi trồng thuỷ sản và hoa màu của địa phương. Huyện yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân có ý thức tiết kiệm nguồn nước trong sản xuất, đồng thời những địa phương xa nguồn nước của hệ thống Bắc Hưng Hải cần chủ động đổ ải sớm và có kế hoạch trữ nước vào hệ thống sông trục. Trong trường hợp hạn hán nghiêm trọng, các địa phương có thuận lợi về nguồn nước cần huy động toàn bộ trạm bơm dã chiến hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn. Các địa phương cũng cần chủ động chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình thực tế. Ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện cho biết: “Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã xác định năm nay tình trạng hạn hán có thể nghiêm trọng và kéo dài. Vì vậy, chúng tôi đã lập kế hoạch chống hạn cụ thể cho từng địa phương trình UBND huyện xem xét, quyết định. Huyện đã huy động 125 lượt máy xúc loại lớn cùng hàng trăm máy xúc loại nhỏ nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng, các kênh dẫn, cửa cống, hố hút của các trạm bơm trên địa bàn huyện. Yêu cầu các địa phương kiểm tra lại toàn bộ hệ thống máy móc, xăng dầu bảo đảm sẵn sàng hoạt động khi có hạn hán, kiên quyết không để thiếu nước cho sản xuất”. Để công tác phòng, chống hạn đạt hiệu quả cao nhất, huyện chú trọng công tác làm thuỷ lợi vụ đông. Huyện lập kế hoạch và giao khối lượng cụ thể cho từng địa phương. Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên nắm tiến độ của từng đơn vị, yêu cầu các đơn vị làm đến đâu gọn ngay đến đó, bảo đảm tiến độ.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện chủ động phòng, chống hạn