Thanh Miện chỉnh trang đồng ruộng

07/01/2013 06:06

Việc chỉnh trang đồng ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn nhiều...



Xã Thanh Tùng làm đường bờ lô bằng cơ giới


Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Thanh Miện, đến nay, các xã Hùng Sơn, Thanh Tùng, Diên Hồng, Đoàn Kết, Phạm Kha, Đoàn Tùng, các thôn Đông Bích và Đông La (xã Hồng Quang) đã hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa. Ông Vũ Thế Mạnh, Phó ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Thanh Tùng cho biết: Thanh Tùng có 362 ha đất nông nghiệp. Năm 2011, xã có chủ trương khuyến khích các thôn chỉnh trang đồng ruộng, 2 ruộng có 1 bờ lô to rộng đủ để máy nông nghiệp đi vào được, phía cuối ruộng có mương xương cá bảo đảm việc tưới, tiêu. Ngay khi triển khai, chủ trương trên đã được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng, với tổng khối lượng đào đắp trên 55 nghìn m3, đường rộng trung bình từ 3,5 - 4 m. Nhân dân đã hiến 26 ha ruộng để mở rộng bờ lô. Tổng kinh phí cho việc chỉnh trang khoảng 1,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp bình quân 100 nghìn đồng/sào.

Xã Phạm Kha cũng đã hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng. Ông Vũ Văn Quynh, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Kha cho biết: Để nhân dân hiểu, thực hiện chủ trương chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, xã đã huy động các tổ chức đoàn thể vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Ngay sau khi nhân dân thu hoạch xong vụ mùa năm 2011, xã đã trích 1,4 tỷ đồng từ ngân sách thuê máy xúc đất, đắp bờ, vận động nhân dân hiến gần 10 ha đất làm đường. Để tạo thuận lợi cho việc tưới, tiêu, xã còn lắp đặt 498 cống dưới đường.

Không chỉ đào đắp bờ lô to, nhân dân xã Đoàn Tùng còn bê-tông hóa đường ra đồng. Trong năm 2011, nhân dân 3 thôn Đào Lâm, Thúy Lâm và Phạm Lâm đã hiến gần 19 nghìn m2 đất, đóng góp trên 150 triệu đồng để làm đường rộng từ 3-4 m. Năm 2012, nhân dân tiếp tục hiến trên 19 nghìn m2 để mở rộng đường nội đồng, khối lượng ấp trúc đạt gần 10 nghìn m3. Đến nay, thôn Đào Lâm đã đổ được 610 m đường bê-tông ra đồng rộng 4 m, trong đó kinh phí nhân dân đóng góp trên 192 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 152 tấn xi-măng và đổ đá cộn 1,3 km. Thôn Phạm Lâm và Thúy Lâm cũng đã đổ đá cộn được gần 1 km đường ra đồng.

Việc chỉnh trang đồng ruộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Từ khi có bờ lô to, rộng, đã có 3 hộ trong xã Thanh Tùng mua máy gặt đập liên hợp, hàng chục hộ khác mua máy cày, bừa. Máy gặt đã đến được cả những ruộng xa đường giao thông để phục vụ bà con nông dân. Việc vận chuyển hàng hóa của nhân dân cũng dễ dàng hơn nhiều. Chị Nguyễn Thị Yến ở thôn Đoàn (Thanh Tùng) cho biết: "Nhà tôi có 2 sào ruộng cách đường chính khoảng 700 m, trước đây vận chuyển lúa rất vất vả. Bờ ruộng bé, có chỗ chỉ rộng khoảng 15 cm, không khéo là cả người và lúa ngã xuống ruộng. Còn hiện nay tôi đưa được cả xe cải tiến xuống đầu bờ để chở chuyển lúa. Cùng chung suy nghĩ như chị Yến, ông Vũ Văn Quát ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha cho biết: "Nhà tôi chỉ có 2 người già, có 4 sào ruộng, chủ yếu thuê người làm. Nhiều đợt vào vụ thu hoạch, mặc dù trả công cao nhưng khó thuê được người, lúa chín rụng xuống ruộng. Còn rau màu, tôi chỉ cắt để đầu bờ, sau đó lại thuê người vận chuyển đến điểm cân. Tính ra, mỗi sào ruộng tôi phải chi phí hết gần 300 nghìn đồng, đó là chưa kể tiền công cày bừa, thóc giống, phân bón. Tuy nhiên, qua 2 vụ thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, việc thu hoạch lúa, rau màu đơn giản hơn nhiều. Vừa qua, tôi đã thuê máy gặt, vừa nhanh, vừa tiết kiệm cả công lao động và tiền bạc. Với 150 nghìn đồng/sào, tôi chỉ việc cho lúa lên xe cải tiến chở về.

Nói về kết quả bước đầu của việc chỉnh trang đồng ruộng, ông Bùi Hữu Tiếp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Miện cho biết: Huyện đã khuyến khích các xã tập trung chỉnh trang đồng ruộng, coi đây là việc làm quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Để thực hiện có hiệu quả, các xã xây dựng kế hoạch cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Nếu được nhân dân đồng tình thì mới thực hiện và tuân theo những nguyên tắc nhất định về tài chính, quy hoạch quỹ đất công, chiều dài của mỗi ruộng tối thiểu phải 40 m... Qua khảo sát thực tế, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư còn hạn chế nên việc thực hiện chỉnh trang đồng ruộng chưa đồng bộ. Một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, cán bộ một số xã chưa nhiệt tình với công việc, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện... Nếu khắc phục được những hạn chế trên, việc chỉnh trang đồng ruộng của huyện Thanh Miện sẽ được thực hiện trên quy mô rộng và mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện chỉnh trang đồng ruộng