Thanh Miện chậm xử lý đất dôi dư, xen kẹp

05/11/2017 09:05

Xử lý đất dôi dư, xen kẹp (DDXK) để có nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, huyện Thanh Miện lại đang gặp khó.


Hầu hết người dân cho rằng giá đất cao

Phải áp giá cao

Ông Vũ Văn Là ở thôn Tào Khê, xã Chi Lăng Bắc là một trong số hơn 100 hộ có diện tích đất DDXK muốn được xử lý để chuyển mục đích thành đất ở. 20 m2 đất dôi dư của gia đình ông trước kia là diện tích ao làng nhưng được ông san lấp sử dụng gần 20 năm nay. "UBND xã thông báo gia đình tôi phải nộp 35 triệu đồng, tức là 1,75 triệu đồng/m2 mới được chuyển sang đất ở. Giá này quá cao, chúng tôi sẵn sàng trả lại đất cho xã", ông Là nói. Theo bảng giá đất của UBND tỉnh, vị trí đất dôi dư của ông Là thuộc nhóm 1, khu vực 1 xã đồng bằng, áp giá 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, phần diện tích này nằm phía sau nhà và khu vực cuối xóm nên áp giá 1,75 triệu đồng/m2.

Anh Nguyễn Hữu Tú ở thôn Phù Nội, xã Hùng Sơn nộp 60 triệu đồng để chuyển đổi 30 m2 đất dôi dư của gia đình sang đất ở. Theo anh Tú, giá này cao bởi mặc dù vị trí đất gần trung tâm xã nhưng lại ở cuối đường xóm.

Theo ông Triệu Duy Hiền, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, việc áp giá đất ở địa phương cao hơn giá thị trường nên chính quyền xã rất khó xử lý. Xã Hùng Sơn gần quốc lộ 38B và tỉnh lộ 392, nhưng là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc áp giá đất khu vực trung tâm xã 2 triệu đồng/m2 là không hợp lý. Với vị trí của xã Hùng Sơn, tỉnh nên áp theo nhóm 1, khu vực 3 (xã ít điều kiện phát triển kinh tế) với mức giá từ 500.000-900.000 đồng/m2.

Xã Hùng Sơn có hơn 13.000 m2 đất DDXK của 228 hộ đủ điều kiện chuyển sang đất ở. Nhưng do giá cao nên từ năm 2016 đến nay, xã mới xử lý được 3 trường hợp, nộp ngân sách hơn 100 triệu đồng.

Kết quả thu thấp

Huyện Thanh Miện có gần 80 ha đất DDXK của 8.713 hộ đủ điều kiện chuyển mục đích sang đất ở. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện mới có 341 hộ đồng ý phương án xử lý và nộp ngân sách 22,65 tỷ đồng. Nhiều xã đạt kết quả thấp như: Diên Hồng, Hùng Sơn, Chi Lăng Bắc, Cao Thắng... Các địa phương trong huyện cho rằng áp giá đất dôi dư quá cao nên việc xử lý chậm.

Ông Bùi Hữu Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho rằng nguyên nhân xử lý đất DDXK đạt thấp là do một số xã, thị trấn trong huyện chưa tích cực vào cuộc. Một số hộ chưa hiểu hết quy định nên có ý kiến giá đất còn cao, cố tình không nộp tiền. Các địa phương chưa có biện pháp kiên quyết để yêu cầu các hộ xử lý đất DDXK.

“Việc xử lý đất DDXK không chỉ giải quyết tình trạng lấn chiếm, khắc phục tồn tại trong quản lý đất đai những năm trước đây mà còn tạo nguồn kinh phí quan trọng cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội", ông Tiếp nói.

TRẦN HIỀN






(0) Bình luận
Thanh Miện chậm xử lý đất dôi dư, xen kẹp