Thành lập công đoàn cơ sở trong các cụm công nghiệp: Doanh nghiệp chây ỳ

02/08/2020 19:30

Hiện nhiều doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp của tỉnh chưa thành lập được công đoàn cơ sở trong khi việc thực hiện chính sách pháp luật còn hạn chế. Do vậy quyền lợi của nhiều lao động khó được bảo đảm.


Dù đã hoạt động ổn định nhưng một số doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) vẫn chưa thành lập công đoàn cơ sở

Trốn tránh trách nhiệm

Trong giám sát chuyên đề về thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống công nhân tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh vào tháng 5 vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã chỉ ra việc thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các CCN còn hạn chế. Ở TP Hải Dương chỉ có 27 trong tổng số 45 doanh nghiệp trong CCN thành lập được CĐCS; các huyện: Cẩm Giàng có 11 trong 23 doanh nghiệp, Nam Sách là 7 trong 11 doanh nghiệp...

Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn các doanh nghiệp trong CCN là của tư nhân với quy mô nhỏ hoặc sau khi đi vào hoạt động lại không muốn thành lập CĐCS để trốn tránh trách nhiệm với người lao động.

CCN An Đồng (Nam Sách) có 11 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh với tổng số khoảng 4.500 công nhân, lao động. Đến nay mới có 7 doanh nghiệp trong CCN này thành lập CĐCS với tổng số 2.422 đoàn viên, đạt gần 54% tổng số người lao động trong cụm.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Lan, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nam Sách cho biết cán bộ LĐLĐ huyện đã đến tất cả các doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS để vận động, tuyên truyền thành lập CĐCS. Trong số này có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô vừa, mỗi doanh nghiệp có hàng chục công nhân, đã hoạt động ổn định vài năm nay. Lần nào đến 2 doanh nghiệp này cũng khất lần, chây ỳ không tiếp nhận ý kiến thành lập CĐCS. Số doanh nghiệp còn lại quy mô nhỏ, hoạt động không ổn định, công nhân thường xuyên ra vào nên việc vận động thành lập CĐCS cũng gặp nhiều khó khăn. 

Ở huyện Cẩm Giàng có 23 doanh nghiệp đang hoạt động trong 2 CCN Cao An và Lương Điền với tổng số hơn 4.000 công nhân, lao động. Đến nay mới có 11 doanh nghiệp thành lập CĐCS, 4 doanh nghiệp đang trong quá trình xem xét thành lập. Theo cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Giàng, việc thành lập CĐCS ở đây gặp nhiều khó khăn. Đa số các doanh nghiệp trong CCN có quy mô nhỏ, hầu hết do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư sản xuất. Các công ty này chủ yếu thuê lại nhà xưởng để gia công hàng cho các doanh nghiệp lớn, sản xuất ngắn hạn. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công ty chỉ duy trì đủ việc làm cho người lao động. Không ít doanh nghiệp vin vào những lý do này để không thành lập CĐCS. 

Chưa tuân thủ quy định

Theo báo cáo của nhiều địa phương, hoạt động của doanh nghiệp trong các CCN hiện còn nhiều hạn chế và vẫn có vi phạm đối với người lao động. Nhiều doanh nghiệp trong các CCN chưa bảo đảm điều kiện lao động, chế độ chính sách đối với người lao động. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi ốm đau, thai sản. Có doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nhưng chưa thực hiện nghiêm chính sách đối với đối tượng này. Tỷ lệ doanh nghiệp trong các CCN đăng ký thang bảng lương với cơ quan quản lý lao động còn thấp... Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của người lao động ở nhiều doanh nghiệp, nhất là những nơi chưa thành lập tổ chức CĐCS còn nghèo nàn. 

Công đoàn là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Có tổ chức CĐCS sẽ hạn chế nhiều vi phạm của doanh nghiệp trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động.

Theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp không thành lập tổ chức CĐCS vẫn phải trích nộp kinh phí công đoàn. Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn nêu rõ đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại khoản 2, điều 26 Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt những đơn vị này có hay chưa có tổ chức CĐCS. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Quy định là vậy nhưng hiện hầu hết doanh nghiệp trong các CCN chưa thành lập tổ chức CĐCS nhưng cũng không trích nộp kinh phí công đoàn.  

Để việc thành lập tổ chức CĐCS trong các CCN đạt hiệu quả, chính quyền địa phương cần có sự can thiệp kịp thời, có biện pháp xử lý những doanh nghiệp không trích nộp kinh phí công đoàn theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP. Cơ quan quản lý nhà nước khi tiếp nhận  đăng ký thang bảng lương của doanh nghiệp cần yêu cầu doanh nghiệp có bản xác nhận của đại diện người lao động. Trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐCS phải có xác nhận của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về việc không đủ điều kiện thành lập CĐCS theo quy định. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, hạn chế những vi phạm nêu trên, nhất là ở những đơn vị chây ỳ không thành lập tổ chức CĐCS sau nhiều năm hoạt động.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành lập công đoàn cơ sở trong các cụm công nghiệp: Doanh nghiệp chây ỳ