10 tác phẩm vào tới vòng cuối cùng cuộc thi sáng tác "mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng" để Thanh Hóa lựa chọn, xây dựng tượng cao 36 m sẽ nhận được tổng số tiền thưởng lên tới 440 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi sáng tác "mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng", vừa ban hành thể lệ nhằm tìm, lựa chọn mẫu tượng Bà Triệu để phục vụ cho việc dựng tượng bà Triệu đang cưỡi voi cao 36 m tại quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Mẫu tượng đài Bà Triệu có nhiều ý kiến trái chiều trước đó
Theo thể lệ cuộc thi, mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu chất liệu đồng là mẫu tượng toàn thân, gắn với hình tượng voi chiến, là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, là công trình có tính thẩm mỹ cao và khả thi trong quá trình xây dựng; tác phẩm phải thể hiện được chân thực khí phách, thần thái, tư tưởng của vị nữ anh hùng trong bối cảnh, thời điểm lịch sử của dân tộc; mẫu phác thảo tượng đài phải phù hợp, cân đối hài hòa với cảnh quan khu vực.
Theo Ban tổ chức, dự kiến cuộc thi sẽ được phát động ngày 25.9.2023. Tác phẩm sẽ được thu nhận sau 6 tháng kể từ ngày phát động cuộc thi (tính theo dấu bưu điện).
Sẽ có 10 tác phẩm được lựa chọn tới vòng cuối cùng để Hội đồng nghệ thuật chấm chọn với số điểm từ cao xuống thấp với cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất: 100 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải: 70 triệu đồng; 3 giải ba, mỗi giải: 40 triệu đồng; 4 giải khuyến khích, mỗi giải 20 triệu đồng (tổng giải thưởng 440 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa).
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu
Các tác phẩm đạt giải sẽ được trưng bày tại Nhà hát Lam Sơn (Quảng trường Lam Sơn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) trong vòng 15 ngày để xin ý kiến cộng đồng.
Tháng 9.2022, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn một mẫu phác thảo tượng Bà Triệu để xây dựng tượng cao 36 m ở núi Gai, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (thuộc di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu). Tuy nhiên, mẫu phác thảo trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng mẫu phác thảo chưa hợp lý, như đế tượng so với hình Bà Triệu chưa cân xứng về tỉ lệ; hình tượng Bà Triệu và con voi chưa thể hiện được khí phách của Vua Bà khi xung trận…
Trước những luồng ý kiến trái chiều, tỉnh Thanh Hóa đã dừng việc lựa chọn mẫu tượng Bà Triệu, đồng thời cho tổ chức cuộc thi để sáng tác mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu, nhằm lựa cho ra tác phẩm hoàn hảo nhất để lựa chọn phục vụ cho việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu.
Theo Nghị quyết đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua, dự án đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu có diện tích khoảng 1,4 ha, tượng đài Bà Triệu trên núi Gai, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu cao 36 m, chất liệu bằng đồng. Dự án có tổng mức đầu tư của dự án khoảng 256 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh, vốn do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam quyên góp và nguồn huy động hợp pháp khác khoảng 106 tỉ đồng, khoảng 150 tỉ đồng xã hội hóa.
Theo Nguoilaodong