Thanh Hà xây dựng đê kiểu mẫu

12/03/2019 12:04

Những năm qua, cùng với quyết tâm của chính quyền các cấp và sự đồng lòng của người dân, huyện Thanh Hà đã trở thành địa phương đi đầu của tỉnh trong xây dựng tuyến đê kiểu mẫu (ĐKM).

Huyện Thanh Hà phấn đấu xây dựng toàn bộ tuyến đê Trung ương trở thành đê kiểu mẫu

Trước đây, tuyến đê tả sông Thái Bình đoạn qua các xã Tiền Tiến, Phượng Hoàng, Thanh Sơn, Thanh Hải nhếch nhác đầy cỏ dại, rác thải. Từ khi xây dựng ĐKM vào năm 2013, tuyến đê này đã sạch sẽ, khang trang hơn và không còn vi phạm. Không những làm nhiệm vụ bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa mưa bão mà tuyến đê còn là đường giao thông quan trọng kết nối các địa phương.

Anh Nguyễn Văn Thuận ở xã Phượng Hoàng phấn khởi nói: "Tôi thường đi qua đường đê để đến chỗ làm nên thấy rõ nhất những thay đổi trên tuyến đê này. Giờ đây không còn tình trạng vứt rác thải la liệt trên đê; cỏ dại ở mái đê cũng được phát quang. Đi trên đê mà thuận tiện không khác gì đường trong xóm".

Nhận thấy nhiều lợi ích mang lại ở tuyến đê tả sông Thái Bình, từ năm 2016, huyện Thanh Hà có chủ trương nhân rộng việc xây dựng ĐKM ở tất cả các tuyến đê Trung ương trong huyện với chiều dài hơn 40 km. Thế nhưng việc triển khai không đơn giản, nhất là khi ý thức bảo vệ đê điều của người dân thời gian đầu chưa cao. Theo ông Nguyễn Văn Vững, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê, giai đoạn trước huyện đã quan tâm chỉ đạo các biện pháp bảo vệ đê song do làm nhỏ lẻ, thiếu kiên quyết nên chỉ một thời gian thì vi phạm lại tái diễn. Trước thực trạng này, huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chấn chỉnh các hoạt động liên quan tới đê điều. Xác định muốn xây dựng và duy trì ĐKM phải có sự ủng hộ, góp sức của nhân dân, huyện đã phát động phong trào thi đua tới 17 xã ven đê. Hưởng ứng phong trào, người dân và chính quyền các xã có đê hăng hái tham gia thực hiện các tiêu chí của ĐKM. Huyện cũng trích ngân sách gần 10 tỷ đồng để cải tạo các tuyến đê hữu sông Rạng, tả sông Gùa, tả sông Thái Bình.

Nhờ tạo được động lực trong dân mà từ năm 2017, việc xây dựng ĐKM trong huyện có những chuyển biến rõ nét. Người dân chủ động dọn dẹp mặt đê, mái đê, tự giác giải tỏa các vi phạm trong hành lang bảo vệ đê. Ông Bùi Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: "Xã có hơn 4 km đê hữu sông Rạng. Năm 2017, xã vận động nhân dân phát quang cỏ dại trên mái đê và trồng thay thế bằng các loại cỏ phù hợp. Vì trực tiếp tham gia gìn giữ, bảo vệ đê nên người dân sẽ không có các hành vi làm tổn hại đến đê. Đây chính là hiệu quả lớn nhất của phong trào xây dựng ĐKM".

Mặc dù xã Vĩnh Lập không nằm trong danh sách đăng ký xây dựng ĐKM nhưng UBND xã và người dân vẫn tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của các tuyến đê đi qua xã. Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã, địa phương đã trích một phần ngân sách để dọn dẹp, phát quang tuyến đê tả sông Thái Bình. Những hộ dân có công trình vi phạm chủ động tháo dỡ, tạo thuận lợi cho việc giải tỏa hành lang bảo vệ đê. Xã cũng vận động nhân dân không đổ rác ra đê.

Huyện Thanh Hà có 71 km đê, trong đó có 40 km đê Trung ương, còn lại là đê địa phương. Đến nay, huyện đã có 18 km đê tả sông Thái Bình được công nhận là ĐKM. Các tuyến đê hữu sông Rạng, tả sông Gùa đang được huyện tập trung đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí ĐKM. So với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Thanh Hà xây dựng tuyến ĐKM gặp nhiều bất lợi do lúc mới triển khai toàn bộ các tuyến đê đi qua địa bàn huyện đều không đáp ứng được tiêu chí nào của ĐKM. Nhưng với quyết tâm của chính quyền và người dân, huyện đã trở thành điển hình trong xây dựng ĐKM của tỉnh.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hà xây dựng đê kiểu mẫu