Thời điểm này, người trồng vải sớm ở khu Hà Đông (Thanh Hà) rất phấn khởi vì vải được mùa, được giá.
Sản lượng vải sớm năm nay ở Thanh Hà ước đạt 14.000 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với năm trước
Vải sớm xuất ngoại Mới đến đầu xã Thanh Bính, chúng tôi đã thấy nhiều xe máy tấp nập chở vải đến điểm cân. Nhà bà Nguyễn Thị Ngoan ở thôn Hạ Vĩnh có hơn 1 mẫu vải sớm. Từ sáng sớm đến đầu giờ chiều, gia đình bà tập trung bẻ vải để kịp cân cho thương lái. Năm nay gia đình bà Ngoan thu được khoảng 4 tấn quả, sản lượng nhiều nhất trong khoảng 4 năm trở lại đây. Bà Ngoan cho biết: “Đầu mùa, tôi bán loại vải đẹp với giá 45.000 đồng/kg. Hôm nay giá bán tại vườn còn 40.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn năm ngoái từ 5.000-7.000 đồng. Tôi rất mừng vì sau khi thu hoạch được gần 1 tuần, giá vải vẫn ở mức cao chứ không bị hạ như mấy năm trước”.
Thời điểm này, xã Thanh Bính có 5 điểm cân lớn và nhiều điểm cân nhỏ trong làng. Anh A.Chin, một thương lái người Trung Quốc đặt điểm cân tại chợ Hệ, xã Thanh Bính cho biết: “Chúng tôi đặt điểm cân ở đây 3 ngày rồi. Mỗi ngày cân 10 tấn, vào chính vụ có thể cân 20-30 tấn/ngày. Năm nay, Trung Quốc mất mùa vải nên vải ở Việt Nam cũng tiêu thụ thuận lợi hơn”.
Ngoài diện tích vải sớm được áp dụng quy trình VietGAP, xã Thanh Bính có 20 ha vải sớm được Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ thu mua xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chỉ có 15 ha của 140 hộ đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, vải ở khu vực xuất khẩu vẫn còn xanh, khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: “Năm nay vải sớm được mùa, được giá, trung bình 38.000 đồng/kg, tương đối ổn định so với năm ngoái. Thương lái các nơi về thu mua đông hơn. Năm nay có hơn 50% vải sớm của xã tiếp tục được xuất sang thị trường Trung Quốc, số ít xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, còn lại tiêu thụ tại thị trường trong nước, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh”.
Gia đình ông Bùi Đình Du ở thôn Ngọc Điểm, xã Trường Thành cũng có hơn 1 mẫu vải sớm, sản lượng đạt khoảng 4 tấn. Những ngày này gia đình ông cũng tất bật thu hoạch. Nếu chở vải đi đến điểm cân, ông Du bán được giá 40.000 đồng/kg, còn thương lái đến mua tại vườn thì có giá 38.000 đồng/kg. Ông Du cho biết: “Hiện tại gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 5 tạ. Từ nay đến ngày 2-6, gia đình tôi sẽ tích cực thu hoạch để bán với giá cao. Năm nay giá cả ổn định nên ai cũng hào hứng”.
Năm nay, sản lượng vải sớm ở xã Thanh Bính ước đạt hơn 2.000 tấn, tăng khoảng 500 tấn so với năm ngoái; xã Trường Thành hơn 700 tấn, tăng hơn 100 tấn. Ngoài ra, sản lượng vải ở các xã như Thanh Cường, Thanh Hồng, Hợp Đức cũng đều tăng. Sản lượng vải sớm toàn huyện ước đạt hơn 14.000 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với năm trước. Trà vải đang thu hoạch rộ ở Thanh Hà là vải u trứng.
Sôi động dịch vụ "ăn theo"Những chiếc ô tô tải cỡ nhỏ xuất hiện nhiều tại vùng thu hoạch vải để chở đá, thùng xốp và vải quả đến điểm cân. Thời điểm này, những cơ sở làm đá cây liên tục sản xuất để có đá phục vụ cho mùa thu hoạch vải. Anh Lê Văn Hải, chủ cơ sở sản xuất đá tại thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính cho biết: “Cơ sở sản xuất đá của tôi hoạt động được 8 năm nay. Từ đầu vụ, ngày nào cơ sở cũng sản xuất 800 cây đá lớn để phục vụ các điểm cân xung quanh xã. Tuy nhiên, vào chính vụ, lượng đá sản xuất nhiều hơn, thường là từ 1.000 - 1.500 cây/ngày. Các xe tải vào lấy đá liên tục, có ngày làm không kịp”. Đá lạnh sẽ giúp cho vải tươi lâu hơn trong quá trình vận chuyển và bảo đảm chất lượng vải.
Công ty TNHH một thành viên Phúc Cường ở xã Trường Thành đã sản xuất
hàng chục vạn hộp xốp phục vụ cho mùa vải
Thùng xốp cũng là một dịch vụ không thể thiếu đối với vùng quê có nhiều hoa trái. Công ty TNHH một thành viên Phúc Cường ở xã Trường Thành đã sản xuất hàng chục vạn thùng xốp có kích cỡ khác nhau để cung cấp đóng gói vải quả tại địa phương. Tuy mới đầu mùa nhưng thùng xốp đã được tiêu thụ khá nhiều. Các dịch vụ sản xuất đá lạnh, thùng xốp tại địa phương góp phần giúp việc thu mua vải thuận lợi hơn. Vào chính vụ, các cơ sở này sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Vải chính vụ ở Thanh Hà sẽ thu hoạch tập trung trong hơn 1 tháng, khoảng từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7. Khi đó các dịch vụ như cho thuê đất để đặt điểm cân, phục vụ nước tưới cho quả, thuê người bẻ vải, cân vải... sẽ nở rộ. Vì thế, nhiều người trông chờ đến mùa thu hoạch vải để kiếm thêm thu nhập.
Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện đã tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm quả vải của địa phương đến các doanh nghiệp. Điều đáng mừng là năm nay doanh nghiệp đến thu mua vải sớm nhiều hơn mọi năm. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương có vải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực thu mua. Đối với thương lái là người Trung Quốc ở lại địa phương thu mua vải phải đăng ký tạm trú, tạm vắng. Huyện sẽ tạo điều kiện hết mức đối với các doanh nghiệp, tư thương về thu mua vải tại địa phương.
Tâm trạng của người trồng vải khu Hà Đông năm nay thật vui vì công sức, tâm huyết của họ đối với cây vải được đền đáp xứng đáng.
MINH NGUYỆT