Trong vụ vải năm nay, huyện Thanh Hà đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho người thu mua vải.
Thương lái Trung Quốc thu mua vải sớm tại Thanh Hà
Chu đáo
Ngoài những yếu tố về sản xuất, thị trường, UBND huyện Thanh Hà xác định việc chuẩn bị các điều kiện thu mua cũng là khâu quan trọng, góp phần làm nên thành công của mùa vải. Chính vì vậy, huyện đã bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, giao thông, an ninh trật tự tốt nhất để đón các thương lái trong và ngoài nước tới thu mua vải.
Theo ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện, ngày từ đầu vụ vải, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai đồng bộ các phương án giúp thương lái có thể thu mua vải nhanh chóng, thuận lợi, tránh những sự cố không mong muốn. Cụ thể, các xã, thị trấn ven đường 390 và 390B kiểm tra, rà soát và khắc phục hạn chế về hệ thống đường điện sinh hoạt, cáp viễn thông; xây dựng kế hoạch cấp điện, ưu tiên cấp điện cho các cơ sở có sản lượng vải lớn và các cơ sở sản xuất thùng xốp, đá lạnh. Phòng Kinh tế-hạ tầng, Công an huyện phối hợp với các xã Thanh Bính, Thanh Thủy, Thanh Xá bố trí bãi giữ xe thuận tiện, bảo đảm thuận lợi cho việc lưu thông. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phân luồng giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, gây bất lợi cho người thu mua. Đối với các thương lái người nước ngoài, huyện chỉ đạo Công an huyện hướng dẫn họ chấp hành đầy đủ các thủ tục hành chính theo đúng quy đinh, bố trí chỗ lưu trú hợp lý.
Bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho các thương lái, huyện cũng siết chặt quản lý các hoạt động thu mua, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Huyện thành lập đoàn kiểm tra để giám sát hoạt động tại các điểm cân, chấn chỉnh tình trạng cân điêu, ép giá. Ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: “Xã là nơi tập trung nhiều điểm cân vải sớm nhất của huyện. Vì vậy, để tránh xảy ra lộn xộn, xã đã bố trí lực lượng thường trực ở khu vực điểm cân để vừa điều tiết giao thông, vừa giám sát và hỗ trợ thương lái khi cần thiết”.
Người mua hài lòng
Cứ đầu vụ vải, chị Nguyễn Thị Mai (Bắc Giang) lại xuống xã Thanh Bính (Thanh Hà) thu mua vải. Theo chị Mai, ở Thanh Hà có trà vải cực sớm, chín trước vải Bắc Giang hơn 10 ngày nên chị về đây đặt điểm cân, đến khi vải Lục Ngạn chín rộ mới quay về thu mua. Đã 5 năm có mặt từ đầu vụ vải của Thanh Hà, chị Mai thấy được nhiệt tình, trách nhiệm của chính quyền và người dân nơi đây. “Tôi chưa từng bị gây khó dễ, thậm chí còn được các cơ quan chức năng hướng dẫn tận tình về thủ tục lưu trú, tư vấn thuê mặt bằng để đặt điểm cân hợp lý. Sự đối đãi tử tế của địa phương khiến cánh thương lái chúng tôi cảm thấy thoải mái như đang ở nhà mình”, chị hồ hởi nói.
Ông Chen Jing Chi, người Trung Quốc đã sang thu mua vải Thanh Hà được hơn 10 năm. Chỉ khi Thanh Hà hết vụ vải, ông mới di chuyển lên Bắc Giang đặt điểm cân. Nói về việc gắn bó với vùng đất Thanh Hà nhiều năm, ông Chen cho biết: “Ngoài vải có chất lượng tốt thì người dân nơi đây rất thân thiện. Mặt khác, mọi dịch vụ để bảo đảm cho quả vải được đóng gói, vận chuyển nhanh nhất cũng đều được cung cấp kịp thời nên tôi rất yên tâm khi chọn Thanh Hà là nơi thu mua vải”.
Mùa thu hoạch vải Thanh Hà sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. Hiện nay, vải u hồng, giống vải có sản lượng cao nhất trong trà vải sớm đang cho thu hoạch rộ. Do đó, những ngày tới, lượng người thu mua vải tới Thanh Hà sẽ ngày một tăng. Việc bảo đảm các điều kiện thu mua vải sẽ giúp huyện có được thiện cảm và tạo uy tín với các thương lái. Đây cũng là yếu tố giúp vải Thanh Hà tiêu thụ thuận lợi hơn.
PV