Mùa vải Thanh Hà như kỷ niệm tuổi thanh xuân tươi đẹp của tôi.
Sáng tháng 6, nắng hè vàng rực. Tôi ra đầu phố Đặng Xuân Bảng của khu đô thị Linh Đàm đã thấy những mẹt vải chín đỏ. Biển đề: Vải thiều Thanh Hà Hải Dương. Chợ Đại Từ của Linh Đàm, Nam Hà Nội, vải chín đỏ hai bên đường trên mẹt người bán hoa quả. Dọc đường Giải Phóng, những sạp bán hoa quả đỏ lên một màu và tấm biển đề vải thiều Thanh Hà. Tự nhiên làm tôi nhớ Hải Dương, tôi nhớ Thanh Hà có cái làng xưa trồng toàn vải thiều. Làng ấy lại có cô gái mười tám tuổi, làm ở Nhà máy Bơm Hải Dương, cũng tên Thanh Hà đã làm tôi mê đắm thành thơ. Lại một mùa vải chín mà Thanh Hà, tỉnh Đông ơi, tôi vẫn chưa về.
Lần đầu tiên tôi về Thanh Hà khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang còn gay gắt. Cha tôi đèo tôi từ khu sơ tán ở Tứ Kỳ về tận Thanh Hà để đi chơi thăm vườn vải đã chín đỏ. Thanh Hà là tên cô gái của đất Thanh Hà ngày ấy đã mời tôi ăn thử chùm vải đỏ. Lần đầu tiên gặp nhưng đôi mắt đã tìm đôi mắt. Tôi biết thêm, Thanh Hà tuổi 18, làm ở Nhà máy Bơm Hải Dương, cơ quan của cha tôi. Tối hôm ấy, Tôi làm hai câu thơ:
Tôi đã về thăm đất Thanh Hà
Ăn chùm vải chín của quê ta.
Rồi tôi lúng túng không viết thêm được nữa. Hồn nhiên như tuổi thơ, dù câu thơ dở dang, tôi viết hai câu thơ ấy lên mảnh giấy trắng và dán lên cột điện trên đường về khu sơ tán Tứ Kỳ. Ngờ nghệch ơi là ngờ nghệch! Dù không đề tên nhưng rồi em Thanh Hà đọc được. Cũng trên cột điện ấy, em ghi thêm vào một câu: Em đã đọc rồi.
Hình như ông bố tôi biết là tôi và Thanh Hà đã có tình ý gì với nhau chăng. Ông chửi cho một trận và yêu cầu: Đang học đại học, không được yêu đương linh tinh. Chỉ thế thôi, làm tôi nhớ đất Thanh Hà mà lâu rồi không gặp lại.
Tốt nghiệp đại học xong, tôi về lại xứ Thanh làm việc. Sau đó mấy năm, nghe nói cô gái quê Thanh Hà ấy không làm ở nhà máy chế tạo bơm nữa để đi lấy chồng. Nghĩ về tỉnh Đông, tôi nghĩ đến Thanh Hà, câu thơ vẫn còn lại trẻ trung nhưng bạn gái thì đã đã có chồng, còn tôi vẫn chẳng ai yêu.
Sau 20 năm, mùa tu hú kêu tôi đã về vườn vải. Tôi đã luống tuổi rồi, về lại vườn xưa, người tình không thấy, mà câu thơ như gợi nhớ một thời:
Hai mươi năm chưa trở lại Thanh Hà
Vải vẫn chín cho người khác hái
Xao xuyến bâng khuâng ngày trở lại
Tỉnh Đông xa vời vợi nửa phần đời
(Thanh Hà)
Tôi đứng lặng trong vườn vải và câu thơ cứ thế tuôn trào:
Câu hát ai ngọt mãi ở đầu môi
Thanh Hà xinh tươi còn ta vụng dại
Ong rợp trời tìm về hoa vải
Người xưa đâu! Cô lẻ một mình ta
Sau 30 năm tôi về lại tỉnh Đông, đi tìm người tình cũ. Cho dù lúc đó, chưa một nụ hôn, chưa một lời hò hẹn. Nghe nói em vẫn ở TP Hải Dương, đầu phố Minh Khai. Bây giờ, tôi đã là nhà văn. Tôi sẽ tặng thơ cho em và cùng ngồi tâm sự. Tôi cứ nghĩ mình là nhà văn ở Hà Nội về tỉnh Đông là sang trọng lắm, là kiêu hãnh lắm. Nhưng rồi không phải thế. Thời trẻ, ở tỉnh Đông với cha, tôi ngây thơ khờ khạo. Bây giờ về tỉnh Đông khác lắm, hiện đại và nên thơ hơn nhiều. Còn tôi thì ngẫm ra, mình vẫn khờ khạo và ngây thơ như xưa. Nhưng câu thơ ngày ấy, bây giờ vẫn còn như ám ảnh:
... Đến bây giờ tôi mới hiểu ra
Em tinh tế còn tôi khờ khạo quá
Suốt đời trên mây, một thời hoa lá
Cứ lang thang theo đuổi cái xa vời
Còn ai nhớ đến tôi. Gặp lại cô gái ngày xưa ấy thật nhưng cô không nhớ tôi. Bật ra câu thơ mà tôi buồn não nuột:
Tỉnh Đông ngày tôi về
Người tình cũ đã thành bà già
Nghe điện, người đón tôi đầu phố Minh Khai
Vô tư cười: Anh trông quen quen!
Tôi lặng đi, đang cười muốn khóc...
Ba mươi năm rồi còn ai nhớ ai?
(Tỉnh Đông ngày tôi về - 2013)
Nữ nhà văn Thùy Dương, một đời ở tỉnh Đông, nghe tôi đọc bài thơ này đến đoạn tôi gặp lại người xưa mà người ta không nhớ thì chị mỉm cười mà rằng: Anh hãy lại về khám phá lại tỉnh Đông.
Năm nay, Thanh Hà, mùa vải chín, tôi vẫn chưa về nhưng Thanh Hà đã có mùa lễ hội vải. Vải thì vẫn đỏ, đến hẹn quả vẫn chín, mỗi năm một lần đỏ, còn tôi vẫn chưa về mà một mùa vải xưa vẫn còn trong hồn tôi, tóc tôi thì đã bạc.
Mùa vải Thanh Hà như kỷ niệm tuổi thanh xuân tươi đẹp của tôi.
LÊ TUẤN LỘC
Hà Nội, tháng 6. 2018