Biết lượng sức mình, không đầu tư tràn lan, tất cả các xã của huyện Thanh Hà đã không còn nợ đọng xây dựng nông thôn mới. Huyện phấn đấu về đích vào cuối năm nay.
Huyện Thanh Hà "thay da đổi thịt" nhờ xây dựng nông thôn mới
Đến nay, tất cả các xã của huyện Thanh Hà không còn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là điều kiện thuận lợi đưa huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay.
"Liệu cơm gắp mắm"
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn những địa phương khác nhưng xã Hồng Lạc không đăng ký về đích NTM trong đợt đầu. Với những bước đi thận trọng, năm 2017 xã này mới đạt chuẩn NTM. Địa phương đã huy động hơn 85 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM. Nguồn kinh phí xây dựng các công trình như nhà lớp học, nhà đa năng, sân vận động... có được từ việc xã tập trung xử lý đất dôi dư, xen kẹp, đấu giá quyền sử dụng đất một số khu dân cư. Trong xây dựng đường giao thông, xã huy động người dân hiến đất mở rộng đường ở các thôn, xóm. Nhờ đó, đến hết năm 2018, Hồng Lạc không còn nợ đọng trong xây dựng NTM. Ông Vũ Xuân Hào, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc cho biết xã phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng với sự đồng thuận của người dân như hiện nay, mục tiêu này có thể về đích sớm.
Đến tháng 5 vừa qua, Thanh Khê là một trong những xã cuối cùng của huyện Thanh Hà không còn nợ đọng trong xây dựng NTM. Theo kinh nghiệm của xã này, để đạt chuẩn NTM mà không còn nợ đọng thì trong quá trình xây dựng phải biết lượng sức mình, không thể đầu tư tràn lan. Ban đầu xã ưu tiên xây dựng các công trình cần thiết như đường giao thông, trường học. Những hạng mục khác sẽ được nâng cấp, cải tạo khi có kinh phí.
Thanh Hà hiện có 18 trong tổng số 19 xã đạt chuẩn NTM. Xã An Phượng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận trong năm nay. Toàn huyện đã huy động được 1.645,24 tỷ đồng xây dựng NTM và không còn nợ đọng. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn huyện đã thay đổi vượt bậc, khang trang, đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Xã Thanh Khê xây dựng trường tiểu học từ nguồn kinh phí đấu giá đất
Chỉ đạo quyết liệt
Thời gian qua, Thanh Hà luôn quan tâm công tác tuyên truyền, vận động để người dân hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Các cấp, ngành, đoàn thể trong huyện nêu cao vai trò đi đầu, gương mẫu trong các phần việc cụ thể như hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí... Địa phương đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công. Huyện tập trung đầu tư hạ tầng, cho cơ chế quy hoạch các khu dân cư tại các xã tạo kinh phí trả nợ và đầu tư phát triển trong xây dựng NTM. Trước khi phê duyệt dự án, công trình ở một xã, huyện yêu cầu địa phương đó phải chứng minh được nguồn vốn, ngân sách, tránh nợ đọng nhiều. Các xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp, đồng thời báo cáo huyện về tiến độ xây dựng các công trình, nêu những hạn chế, khó khăn để được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn về đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để đánh giá tiến độ thực hiện của từng địa phương.
Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện cho biết bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì xây dựng NTM ở huyện gặp nhiều thuận lợi do người dân ủng hộ, đồng thuận cao. Thời điểm này huyện gấp rút hoàn thiện tiêu chí quy hoạch để đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay. Thanh Hà tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình; đồng thời chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Để xây dựng NTM nâng cao ở các xã không nợ đọng, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực tại chỗ, đồng thời làm tốt công tác vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn và con em xa quê đóng góp, chung tay xây dựng.
MINH NGUYỆT