Tuy mất mùa nhưng đây là năm giá vải thiều cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây.
Năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy thu khoảng 3,5 tấn vải thiều
Về Thanh Hà những ngày này không tấp nập như mọi năm vì lượng vải ít nhưng ai nấy đều vui mừng vì giá vải cao, có thời điểm gấp 3 lần năm ngoái.
Giá trị kinh tế caoChúng tôi về Thanh Hà đúng dịp nông dân đang thu hoạch vải thiều chính vụ. Trên tỉnh lộ 390 không còn tình trạng tắc đường như mọi năm. Người bán vải và các điểm thu mua cũng ít đi. Tuy không bội thu như mọi năm nhưng người dân vẫn rất phấn khởi vì vải được giá. Theo khảo sát của chúng tôi, trong ngày 22.6, giá vải bán buôn dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, có nhà bán lẻ được 40.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Phượng ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy cho biết: “Năm nay gia đình tôi không phải mang vải đi bán ở các điểm cân mà thương lái đến tận vườn thu mua. Gia đình tôi có gần 1 sào vải thiều, thu khoảng 3,5 tấn. Đầu vụ bán được 35.000 đồng/kg, hôm nay bán giá hơn 30.000 đồng/kg. Tuy mất mùa nhưng thu nhập còn cao hơn năm ngoái”. Gia đình bà Phượng là hộ hiếm hoi ở xã có vườn vải cho quả đều. Năm nay gia đình bà Phượng thu khoảng 200 triệu đồng từ vải thiều, cao gần gấp đôi năm ngoái.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy, vải thiều của xã chủ yếu được đem đi tiêu thụ ở các thành phố lớn. Ngoài ra, hơn 6 tấn vải thiều trong vùng áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại Rồng Đỏ thu mua xuất khẩu đi Australia. Theo ước tính của UBND xã Thanh Thủy, năm nay nông dân trong xã thu khoảng 27 tỷ đồng từ vải quả, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm ngoái.
Với hơn 80 ha vải thiều, năm nay xã Thanh Khê thu khoảng 400 tấn quả. Mẫu mã vải quả đẹp, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Theo nhiều người trồng vải, năm nay khó có vải để sấy. Ông Nguyễn Minh Mẫn ở thôn Đa Khê cho biết: “Cả vườn nhà tôi được khoảng 2,5 tấn vải, hiện đã thu hoạch hơn 1 tấn. Do mẫu mã đẹp, vải được sản xuất theo quy trình VietGAP nên đầu vụ gia đình tôi bán với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg. Những quả vải rụng hoặc nứt, gia đình tôi cũng bán được cho thương lái với giá thấp hơn. Năm nay, gia đình tôi dự kiến sẽ thu khoảng 200 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với năm ngoái”. Do ít vải nên năm nay vải thiều Thanh Hà chủ yếu tiêu thụ trong nước qua các thương lái nhỏ lẻ. Trước khi thu hoạch vải thiều 2 tuần, người dân đã ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch đưa đến người tiêu dùng. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, năm nay sản lượng vải thiều Thanh Hà ước đạt khoảng 5.000 tấn, giảm khoảng 7.000 tấn so với năm ngoái. “Mất mùa, được giá” là điệp khúc muôn thủa của thị trường nông sản. Vì thế, giá trị kinh tế do quả vải mang lại cho huyện Thanh Hà năm nay dự kiến còn cao hơn năm ngoái.
Nhờ kinh nghiệmNăm nay thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả của vải thiều. Với kinh nghiệm cả đời trồng vải, nhiều nông dân Thanh Hà đã biết cách "bắt bệnh" ông trời. Ông Hoàng Văn Thủy ở thôn Lại Xá cho biết, ông chăm sóc vải đúng theo quy trình VietGAP, cắt tỉa cành, khoanh cành, tạo tán đúng thời điểm nên năm nay vẫn được nhiều vải bán. Thời điểm nắng nóng, vải có hiện tượng cháy, rám, ông ngắt đi những quả rám chứ không vội phun thuốc, sau đó tập trung tưới nước cho cây vải. Vừa thu hoạch vải, ông vừa cắt tỉa cành, dọn đến đâu sạch đến đó, vì sau thu hoạch 1 tháng là vải sẽ ra lộc, bắt đầu phải phun thuốc, bón lân đạm. Nếu không làm nhanh thì không kịp với chu kỳ phát triển của cây. Theo ông Thủy, chỉ cần tính sai một bước là có thể sẽ mất mùa.
Ngoài việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Minh Mẫn còn thường xuyên theo dõi thông báo của Trạm Bảo vệ thực vật và hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Vì thế, trong khi nhiều nhà mất mùa thì năm nay gia đình ông vẫn thu khoảng 2,5 tấn vải. Ông Đặng Văn Khái, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho biết: “Nhiều nông dân Thanh Khê thường xuyên tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc vải qua sách báo và mạng internet. Thị trường tiêu dùng thì ngày càng khó tính, nên vải sạch sản xuất theo quy trình VietGAP cũng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn”.
MINH NGUYỆT