Thanh Hà mua xuồng vẫn không chống được “cát tặc”

06/08/2013 09:12

Mặc dù huyện Thanh Hà đã đầu tư mua xuồng cho một số xã nóng về cát tặc để thực thi nhiệm vụ, nhưng xem ra không hiệu quả, việc khai thác cát vẫn diễn ra.



Lực lượng an ninh xã Phượng Hoàng tuần tra


Mặc dù Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống, xử lý khai thác cát lòng sông trái phép huyện Thanh Hà đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp chống “cát tặc”, đặc biệt là mua xuồng để đuổi, bắt. Tuy nhiên, việc khai thác cát vẫn ngang nhiên diễn ra.

Mua xuồng chống “cát tặc”

Thời gian qua, đoàn liên ngành chống khai thác cát trái phép huyện Thanh Hà phối hợp với Trạm Cảnh sát đường thủy Kênh Đồng, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) tăng cường tuần tra kiểm soát các điểm khai thác cát trọng điểm tại các xã Vĩnh Lập, Thanh Hải, Tiền Tiến, Phượng Hoàng. Các xã ven đê cũng đã thành lập BCĐ phòng, chống và xử lý khai thác cát trái phép lòng sông và tổ chức cho các chủ bến, bãi, chủ phương tiện khai thác cát ký cam kết không vi phạm các quy định bảo vệ đê điều, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát. Từ đầu năm đến nay, huyện Thanh Hà đã tổ chức lực lượng, phối hợp với các huyện giáp ranh, cảnh sát đường thủy bắt 42 tàu khai thác cát trái phép, xử phạt 389 triệu đồng.

Cuối tháng 6 đầu tháng 7-2013, 3 xã "nóng" về khai thác cát trái phép gồm: Tiền Tiến, Phượng Hoàng và Thanh Hải đã mua xuồng, trị giá 72 triệu đồng/xuồng, trong đó huyện hỗ trợ mỗi xã 40 triệu đồng, còn lại là ngân sách xã để tăng cường kiểm tra, xử lý tàu khai thác cát trái phép. Mỗi xã có 2 cán bộ được tạo điều kiện đi học chứng chỉ thủy thủ.

Nhiều khó khăn

Khoảng 10 giờ 30 ngày 30-7, chúng tôi có mặt tại bãi soi sông Thái Bình, thuộc địa phận xã Phượng Hoàng. Tại đây có 5 chiếc tàu đang ngang nhiên khai thác cát trái phép. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp thì những tàu này vội nổ máy dạt về phía bên kia sông thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ. Lực lượng công an và dân quân xã Phượng Hoàng lên xuồng tuần tra thì những tàu này đã ở bên kia sông. Do ngoài địa phận quản lý nên lực lượng chức năng của xã không thể xử phạt.

Xã Phượng Hoàng có 85 ha bãi soi, từ năm 2012 đến nay bị các tàu hút cát làm sạt lở hơn 10 ha. Tuy đã được mua xuồng để chống cát tặc nhưng việc mua xăng để chạy xuồng rất khó khăn do ngân sách xã có hạn. Vì thế, việc tuần tra bằng xuồng không thường xuyên. Đặc biệt, từ khi có xuồng, UBND xã phải phân công 15 thành viên thay nhau trực cả ngày, đêm vừa có nhiệm vụ chống “cát tặc” và... trông xuồng. Trong khi đó, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng này không có nên nhiều người đã xin ra khỏi đội. Ông Đỗ Như Hậu, Trưởng Công an xã Phượng Hoàng cho biết: “Việc có xuồng chỉ ngăn chặn được các tàu không hút sâu vào bờ chứ chưa chặn được nạn khai thác cát lòng sông trái phép. Hiện nay vẫn có khoảng 7-8 chiếc tàu ngang nhiên khai thác cát giữa dòng. Chỉ cần lực lượng chức năng của xã mất cảnh giác là chúng đưa máy hút trộm ngay. Nếu tuần tra liên tục, một tuần phải mất hơn 500 nghìn đồng tiền xăng. Do đó, xã không có đủ kinh phí duy trì thường xuyên. Nhiều lần lực lượng địa phương phát hiện tàu khai thác, báo cho đoàn liên ngành xuống xử lý, nhưng việc tổ chức các ban, ngành rất lâu, nên khi xuống đến nơi thì tàu cát đã bỏ chạy”. Cái khó của cấp xã trong việc xử lý tàu khai thác cát trái phép là chỉ được phạt hành chính từ 1,5-2 triệu đồng nên không đủ sức răn đe, việc tái phạm còn nhiều.

Xã Thanh Hải mặc dù đã có xuồng nhưng vẫn không ngăn được “cát tặc” bởi xã cũng không có đủ kinh phí và nhân lực để duy trì hoạt động của xuồng như xã Phượng Hoàng. Hơn nữa, mỗi khi hút cát trộm, các chủ tàu thường cắt cử người cảnh giới nên thấy các lực lượng chuẩn bị kiểm tra thì các tàu này đã được báo trước và “rút” nhanh chóng. Bãi nổi của xã Thanh Hải có 120 ha, nhưng đến nay bị hút cát, sạt lở chỉ còn hơn 100 ha. Ông Lê Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: “Một số tàu bị bắt rồi nhưng không phối hợp xử lý mà còn chống đối hung hãn, sẵn sàng đánh cán bộ. Vì thế, việc chống khai thác cát vẫn chưa thực sự hiệu quả”.

Hiện nay, trên các sông Văn Úc, Thái Bình và sông Gùa đi qua huyện Thanh Hà đều có tàu khai thác cát trái phép. Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Văn Hướng, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Kênh Đồng cho biết, trạm có chức năng phụ trách 7 tuyến sông dài hơn 100 km.  Địa bàn rộng, trạm lại chỉ có 10 cán bộ thay nhau đi tuần tra nên chưa bao quát hết được tình hình. Từ trạm đi đến các điểm Phượng Hoàng, Tiền Tiến, Thanh Hải phải mất hàng tiếng nên một số lần tiếp ứng chậm. “Việc kinh doanh, khai thác cát là siêu lợi nhuận, vì thế các chủ tàu và các chủ bến bãi đã bất chấp thủ đoạn. Đến nay việc khai thác cát lòng sông trái phép tại địa phận Thanh Hà và nhiều huyện khác vẫn còn. Việc tổ chức, triển khai lực lượng đi kiểm tra, bắt giữ của liên ngành còn rườm rà và mất thời gian”, ông Hướng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc các xã mua xuồng bước đầu đã mang lại hiệu quả là ngăn được các tàu cát không hút gần bờ. Tuy nhiên, về lâu dài các xã cần có phương án hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tuần tra duy trì hoạt động. Đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ kinh phí cho BCĐ phòng, chống, xử lý khai thác cát ở các địa phương.

Thời gian tới, UBND huyện Thanh Hà chỉ đạo các xã phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra chặt chẽ hoạt động bến bãi, nguồn gốc cát và cam kết của chủ bến bãi. Khi phát hiện vi phạm tịch thu phương tiện theo đúng quy định. UBND huyện tăng cường tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tố giác hành vi vi phạm, tiếp tay cho chủ tàu khai thác cát trái phép. Huyện đã chỉ đạo các xã phát huy hiệu quả hoạt động của xuồng trong công tác phòng, chống và xử lý “cát tặc”.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hà mua xuồng vẫn không chống được “cát tặc”