Với sự vào cuộc quyết liệt, sau hơn 1 tháng, Thanh Hà đã dừng hoạt động toàn bộ 10 lò gạch thủ công. Đến chiều 23-1, 9 lò đã và đang được tháo dỡ.
Ông Nguyễn Danh Thìn bắt đầu cho công nhân tháo dỡ vỏ lò của gia đình
Dừng, tháo dỡ trước, chuyển đổi công nghệ sau
Cuối tháng 11, đầu tháng 12-2016, vào thời điểm diễn ra Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVI, Thanh Hà là một trong hai địa phương toàn bộ số lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động. Sự việc "nóng" đến mức cả Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Tuấn và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Lực phải nhận trách nhiệm cá nhân về việc chậm trễ chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công theo chỉ đạo của tỉnh.
Trong các hội nghị, lãnh đạo huyện Thanh Hà nêu nhiều nguyên nhân cũng như đề xuất một số giải pháp như cắt điện, cắt dốc đê, thanh lý hợp đồng thuê đất với các chủ lò sử dụng đất trái thẩm quyền... nhằm "phong tỏa" hoạt động của các lò gạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề khó xử lý. Về đề nghị ngành điện cắt điện đối với các chủ lò gạch gặp trở ngại do chủ lò có hợp đồng kinh tế với ngành điện. Về nguyên tắc, ngành điện chỉ cắt điện khi các chủ lò gạch vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật. Trong khi văn bản của UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công được áp dụng chung cho toàn bộ 172 lò gạch trên địa bàn tỉnh. Để cắt điện của các lò gạch này phải có văn bản riêng cưỡng chế đối với từng chủ lò. Sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn cũng như xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Thanh Hà đã ban hành 10 quyết định cưỡng chế đối với 10 chủ lò gạch, yêu cầu các chủ lò phải dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ theo chỉ đạo của tỉnh.
Phần lán cũng đang được tháo dỡ
Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với huyện Thanh Hà là yêu cầu ông Nguyễn Danh Thìn, Chủ tịch Hiệp hội Gạch sét nung tỉnh đồng thời cũng là chủ 2 cặp lò gạch liên tục kiểu đứng ở xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) chấm dứt hoạt động. Trong quá trình triển khai thực hiện, ông Thìn trích dẫn nhiều văn bản đi ngược với chỉ đạo của tỉnh. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí ngoài tỉnh có những bài viết "bắt bẻ câu chữ" hòng lái vấn đề theo chiều hướng ngược lại chỉ đạo của UBND tỉnh, kích động các chủ lò tiếp tục đốt gạch. Đỉnh điểm của sự việc khi ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà đề nghị tỉnh làm rõ tính pháp lý của Hiệp hội Gạch sét nung tỉnh cũng như vai trò của ông Thìn. Bằng nhiều biện pháp kiên quyết cộng với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành của tỉnh, ông Thìn phải chấp hành dừng hoạt động và tháo dỡ các lò gạch. Ông Thìn còn đề nghị các thành viên của hiệp hội thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh về việc chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công. "Huyện đã tổ chức nhiều đoàn vận động các chủ lò tự nguyện chấm dứt hoạt động, có những cuộc làm việc rất căng thẳng nhưng với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt không lùi bước trước khó khăn, UBND huyện đã yêu cầu các chủ lò chấm dứt hoạt động theo lộ trình: dừng, tháo dỡ trước, đề xuất chuyển đổi công nghệ sau", ông Trịnh Văn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà nói.
Xử lý cả trong dịp TếtĐó là khẳng định của ông Trịnh Văn Thiện khi đi kiểm tra việc tháo dỡ 2 cặp lò gạch liên tục kiểu đứng của ông Nguyễn Danh Thìn chiều 23-1. Ông Thiện cho biết, đến ngày 31-12-2016, toàn bộ 10 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện đã dừng hoạt động theo đúng kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển cũng như cam kết của Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Nguyễn Văn Lực tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVI. Đến chiều 23-1, 9 trong tổng số 10 lò gạch đã và đang được tháo dỡ. Điển hình là việc ông Nguyễn Danh Thìn đã xin tự tháo dỡ 2 cặp lò gạch của gia đình. Để hỗ trợ các chủ lò tự giác tháo dỡ, UBND huyện Thanh Hà hỗ trợ 10 triệu đồng/lò. UBND huyện cũng tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất đối với 7 chủ lò sử dụng đất trái thẩm quyền.
Ông Thìn mong muốn tỉnh sớm có giải pháp cho các chủ lò chuyển sang sản xuất
gạch sét nung theo công nghệ hiện đại
Ông Thìn cho biết, lúc đầu bản thân ông cũng như thành viên hiệp hội chưa nhận thức đầy đủ quy định của UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công. Sau khi nghe phân tích cặn kẽ của các cấp chính quyền về tác hại đến môi trường do lò gạch gây ra cũng như 5 giải pháp chấm dứt việc sản xuất gạch thủ công theo đề xuất của Sở Xây dựng, trong đó có việc tiếp nhận và hướng dẫn chủ lò làm các thủ tục chuyển đổi cho những chủ lò có đủ điều kiện chuyển đổi sản xuất theo công nghệ tuynel, ông Thìn đã đồng ý và tự giác tháo dỡ. "Lúc đầu bản thân tôi cho rằng đây là loại lò gạch được áp dụng theo công nghệ hiện đại cộng với các loại cây cối xung quanh lò gạch không bị ảnh hưởng nên không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau khi có báo cáo chi tiết về tác động môi trường tôi mới nhận thấy tác hại của lò gạch thủ công. Chúng tôi thấy chỉ đạo chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công của UBND tỉnh là đúng đắn. Chúng tôi chỉ mong muốn tỉnh sớm chấp thuận cho các chủ lò có nhu cầu chuyển sang sản xuất gạch theo công nghệ hiện đại để tận dụng số máy móc, thiết bị, nhà xưởng, gạch mộc còn tồn và vùng nguyên liệu có sẵn", ông Thìn đề nghị.
Theo ông Trịnh Văn Thiện, trong thời gian tới, kể cả dịp Tết Đinh Dậu, UBND huyện Thanh Hà tiếp tục chỉ đạo chính quyền các xã, cơ quan liên quan của huyện thực hiện quyết liệt các biện pháp chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, chậm nhất đến ngày 31-1, các chủ lò phải hoàn thành việc tháo dỡ hoàn toàn 10 lò gạch thủ công trên địa bàn huyện. UBND huyện sẽ có biện pháp mạnh đối với những chủ lò cố tình vi phạm, tái đốt trái phép; chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND huyện đề nghị với UBND tỉnh có giải pháp cho các chủ lò có nhu cầu sản xuất gạch sét nung theo công nghệ tuynel.
SỸ THẮNG