Sau 10 năm phấn đấu, Thanh Hà đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành vùng quê trù phú, yên bình và đáng sống.
Sau chặng đường 10 năm nỗ lực phấn đấu, Thanh Hà đã cán đích huyện nông thôn mới (NTM), trở thành vùng quê trù phú, yên bình và đáng sống. Đây là kết quả từ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, quyết tâm chính trị cao từ huyện đến cơ sở và nhất là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Lãnh đạo huyện Thanh Hà tăng cường đi cơ sở kiểm tra sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mới phát sinh (ảnh tư liệu)
Bước tiến vượt bậc
10 năm trước, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Thanh Hà là địa phương có xuất phát điểm thấp, mới đạt 6,3 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người 16,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 12,6%... Nhận thức về chương trình xây dựng NTM sẽ tạo cú hích để nông thôn “thay da, đổi thịt”, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Huyện ủy Thanh Hà đã ban hành nghị quyết, UBND huyện có kế hoạch thực hiện với bước đi, lộ trình cụ thể, vững chắc, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Từ khi triển khai xây dựng NTM, địa phương đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung ương, tỉnh, các ngành liên quan. Với ý chí phấn đấu vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã không ngừng nỗ lực phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực thực hiện. Cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tích cực chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ; chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người dân hiểu đúng, đầy đủ chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng NTM. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” nhận được sự đồng thuận và tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và mỗi người dân. Đến nay, huyện Thanh Hà đã có bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, diện mạo quê hương thay đổi rõ rệt.
Tiêu biểu như sản xuất nông nghiệp đã tạo được dấu ấn riêng, trở thành vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng. Huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi từ độc canh cây lúa, cây vải sang đa dạng hoá cây trồng, phát triển cây ăn quả theo các vùng sản xuất tập trung, trong đó xác định cây vải, ổi, bưởi, quất, chuối... là những cây chủ lực. Sản xuất nông nghiệp được áp dụng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn xuất khẩu. Tập trung xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị đặc sản vải thiều, đưa vải thiều Thanh Hà trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và vươn ra quốc tế. Địa phương được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng và công nhận 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đề nghị Trung ương công nhận vải thiều là sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại, gia trại. Đến nay, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 181,3 triệu đồng.
Đem lại sự tươi mới cho nông thôn Thanh Hà là phong trào làm đường giao thông. 100% các tuyến đường huyện, xã, thôn xóm, đường ra đồng, đường nội đồng được nhựa hoá, bê tông hóa, cứng hoá, thuận lợi cho người dân đi lại, lưu thông, phát triển sản xuất. Nổi bật nhất là cầu Quang Thanh nối xã Quang Hưng, huyện An Lão (Hải Phòng) với huyện Thanh Hà đã gỡ được "nút thắt" giao thông của huyện từ nhiều đời nay…
Lĩnh vực công nghiệp cũng có bước phát triển vượt bậc. Toàn huyện có gần 2.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 95,4% số lao động có việc làm với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Lĩnh vực dịch vụ phát triển đa dạng, bước đầu hình thành các điểm du lịch gắn với hoạt động văn hóa, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn vải, vườn ổi, phường rối nước...
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển vững chắc cả về quy mô, chất lượng và cơ sở vật chất, luôn đứng tốp đầu của tỉnh. Tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt 91,8%. Có 55/61 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 90,16%, tăng 37 trường so với năm 2011. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa phát triển mạnh mẽ, 88/89 thôn, khu dân cư được công nhận văn hóa, đạt 98,87%.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên; phương thức lãnh đạo của các cấp ủy từ huyện đến cơ sở được đổi mới.
Nông thôn Thanh Hà ngày càng văn minh, giàu đẹp
Tiếp tục nâng cao các tiêu chí
Trong 10 năm qua, huyện Thanh Hà đã huy động hơn 1.645 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 170 tỷ đồng, hiến hơn 400.000 m2 đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng… Đến hết năm 2020, huyện không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 của huyện bình quân đạt 16,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2011, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm gần 50%, công nghiệp - xây dựng trên 30%, thương mại - dịch vụ 20%. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng lên 47,3%, thương mại - dịch vụ tăng lên 28,8%, nông nghiệp giảm còn 23,9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 59,1 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,6% (năm 2011) xuống còn 1,59% (năm 2020).
Từ thực tiễn xây dựng NTM, Thanh Hà đã rút ra nhiều kinh nghiệm đáng quý. Đó là sự đồng thuận của người dân - yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình xây dựng NTM. Huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, từng nội dung phải được nhân dân bàn bạc, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, ủng hộ. Địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch sát với thực tiễn, việc dễ làm trước, đầu tư đến đâu đạt hiệu quả đến đó, tránh hình thức. Phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể để phát huy hiệu quả cao nhất nguồn vốn huy động, đặc biệt là các công trình do thôn, xóm quản lý. Phát huy mạnh mẽ vai trò, sức sáng tạo của cán bộ chủ chốt; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, tạo nguồn lực xây dựng NTM. Trong tổ chức thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Làm tốt việc sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời các địa phương, cơ sở làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, cách làm sáng tạo…
Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Với quan điểm không được phép chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, thời gian tới, Thanh Hà tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Quyết tâm thực hiện thành công 3 khâu đột phá để tạo đà trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đó là phát triển vùng cây ăn quả sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với du lịch sinh thái, xuất khẩu, công nghiệp chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông, đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ… Huyện phấn đấu đến năm 2025 có thêm 6 - 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 - 3 xã đạt NTM kiểu mẫu; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 15%/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 12%/năm và thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm.
TRỊNH VĂN THIỆN
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Thanh Hà