Thanh Hà chậm xử lý đất xen kẹp, dôi dư

12/08/2016 08:54

Thanh Hà tập trung xử lý đất xen kẹp, dôi dư (XKDD), phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ xử lý cơ bản loại đất này nhưng đến nay vẫn còn 11 xã chưa rà soát xong.



Đến nay, xã Hợp Đức vẫn chưa rà soát, xử lý đất xen kẹp, dôi dư


Giá chuyển đổi quá cao

Thanh Hà hiện có hơn 60,4 ha đất xen kẹp và hơn 100 ha đất dôi dư trong khu dân cư. Đến nay, 11 xã chưa rà soát đất XKDD là: Tân An, Thanh Khê, Thanh Sơn, Thanh Xá, Liên Mạc, Hợp Đức, Thanh Cường, Thanh Lang, Tân Việt, Vĩnh Lập, Trường Thành. 14 xã, thị trấn còn lại đã triển khai xử lý song hiệu quả chưa cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý đất XKDD còn chậm vì giá chuyển đổi loại đất này sang đất ở quá cao. Ông Lê Văn Xuân ở thôn Nhân Hiền, xã Hợp Đức cho biết: "Nếu giá phù hợp, gia đình sẽ chuyển đổi nhưng nếu giá quá cao thì chịu, không làm được". Nhiều người phản ánh, giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất do tỉnh quyết định, áp theo từng vị trí chưa phù hợp với một số địa phương.

Xử lý đất XKDD chậm còn do chính quyền xã chưa thực sự quan tâm, tuyên truyền tới người dân. Tuy nhiều xã đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý đất XKDD nhưng chưa phát huy tác dụng do cán bộ xã thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu và yếu. Không ít cán bộ chuyên trách chưa nhiệt tình với công việc. Sau gần 1 năm thực hiện chỉ đạo của huyện về xử lý đất XKDD, xã Hợp Đức vẫn chưa rà soát, thống kê được diện tích cụ thể loại đất này. Theo ông Lê Văn Cạy, cán bộ địa chính xã thì chỉ có thể ước được hơn 60 hộ có đất XKDD. Xã chưa tuyên truyền nhiều nên nhiều người chưa phân biệt được đâu là đất xen kẹp, đâu là đất dôi dư.

Từ cuối năm 2015 đến tháng 5-2016, xã Thanh Khê mới chỉ có 1 hộ được cấp quyền sử dụng đất trong tổng số 50 trường hợp có đất xen kẹp. Đối với đất dôi dư, xã chưa rà soát, xử lý được hộ nào. Ông Đặng Văn Khái, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho biết để xử lý được 1 hộ có đất xen kẹp như vậy xã cũng rất “chật vật” do thủ tục chặt chẽ, mất nhiều thời gian đo đạc, làm hồ sơ.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc

Nếu các cấp chính quyền không tích cực vào cuộc, việc xử lý đất XKDD trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục trì trệ và khó rà soát xong trong năm nay. Xử lý loại đất này phải bảo đảm đất ở của các hộ có "sổ đỏ", đất không tranh chấp và nằm trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, nếu người dân chưa đồng ý xử lý thì chính quyền cũng không thể làm được vì xử lý đất XKDD trước hết trên tinh thần tự nguyện.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập cho biết thời gian tới xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc chuyển đổi đất XKDD sang đất ở. Ban Chỉ đạo xử lý đất XKDD xã sẽ trực tiếp đến các hộ có đất để phổ biến quy trình xử lý.

Theo ông Phạm Đức Ban, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Hà, cán bộ chuyên môn của phòng đã hướng dẫn các xã, thị trấn quy trình, lập hồ sơ xử lý đất XKDD tương đối bài bản. Với vai trò là cơ quan thường trực, thời gian tới, phòng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện tốt việc rà soát, quản lý loại đất này trên địa bàn. Phòng sẽ tổ chức thẩm định kịp thời khi người dân có nhu cầu, bảo đảm chính xác, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Để việc xử lý đất XKDD ở huyện Thanh Hà thuận lợi hơn, tỉnh nên điều chỉnh lại mức giá chuyển mục đích sử dụng cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng địa điểm chứ không nên áp đặt một mức giá chung. Ngoài ra, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc rà soát, lập hồ sơ, vận động nhân dân xử lý loại đất này. Quy trình xử lý đất XKDD phải công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan. Sau khi người dân đồng ý chuyển đổi đất XKDD sang đất ở, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện, hỗ trợ họ về mặt thủ tục hành chính, tránh rườm rà.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Thanh Hà chậm xử lý đất xen kẹp, dôi dư