Thanh Hà 15 năm xây dựng và phát triển

30/03/2012 11:53

15 năm qua, Đảng bộ huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển, khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.



Thị trấn Thanh Hà ngày càng phát triển. Ảnh: Thành chung


Ngày 1-4-1997, huyện Thanh Hà được tái lập. 15 năm qua, Đảng bộ huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển, khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.


Huyện chú trọng xây dựng, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và huy động sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân để nâng cấp, ấp trúc toàn tuyến đê trung ương, đê địa phương. Nâng cấp và xây mới 4 trạm bơm: Thanh Hải, Ngọc Điểm, Cẩm Chế, Thanh Hồng, kiên cố hóa 36,3 km kênh mương (năm 1997 có 2,5 km). Hệ thống điện, đường, trường, trạm, kênh mương, công sở làm việc, các công trình phúc lợi, xây dựng trong nhân dân được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, giúp thay đổi diện mạo nông thôn. Nhiều công trình lớn được xây dựng và hoàn thành như: cầu Hợp Thanh, cầu Hương, trụ sở làm việc các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Quảng trường trung tâm... Toàn bộ tuyến đường do huyện quản lý, đường liên xã đã được trải nhựa; 402,5 km đường thôn xóm được trải nhựa và bê-tông (tăng gấp 25 lần so với năm 1997). Toàn huyện có 9 trạm cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng của hàng nghìn hộ dân.

Kinh tế liên tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,2%/năm, thu nhập bình quân đạt 8,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (năm 2010 là 45% - 19% - 36%). Tiểu, thủ công nghiệp có bước phát triển vượt bậc theo hướng tập trung khai thác, chế biến nông sản và mở rộng ngành nghề truyền thống của địa phương. Từ chỗ chỉ có một số cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp nhỏ lẻ (1997), đến nay huyện đã có 2.154 cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ đi vào hoạt động, thu hút gần 9.000 lao động như: Công ty May Makalot, TBT, GoldenSun, Cáp điện viễn thông Vina... Các ngành nghề, cơ sở chế biến nông sản truyền thống như sấy vải, hành, tỏi; dệt chiếu; mây tre đan phát triển mạnh... Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 463 tỷ đồng (năm 2011), tăng gần 160% so với năm 1997. Xác định nông nghiệp là mũi nhọn, huyện tập trung chỉ đạo chuyển từ độc canh cây lúa sang trồng các loại cây rau màu, cây công nghiệp, chú trọng phát triển cây ăn quả (vải, ổi, quất). Thay thế dần những giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp bằng những giống cây có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả được hình thành như ổi (Liên Mạc), quất trái vụ (Cẩm Chế)… Giá trị sản xuất đạt 87 triệu đồng/ha/ năm, có nhiều mô hình đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Huyện hoàn thành việc đăng ký và triển khai thực hiện "Chỉ dẫn địa lý vải Thiều Thanh Hà". Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thuỷ sản phát triển nhanh. Hiện nay, toàn huyện có 664 hộ chăn nuôi, sản xuất theo mô hình VAC, 22 hộ đạt tiêu chí kinh tế trang trại... Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 710 ha, sản lượng 3.100 tấn/năm, tăng hơn 2.000 tấn so với năm 1997. Hệ thống lưới điện dân dụng được quan tâm đầu tư, 100% số hộ được dùng điện thắp sáng. Dịch vụ vận tải và các dịch vụ phục vụ cá nhân, công cộng phát triển mạnh. Giá trị ngành dịch vụ năm 2011 đạt 412,5 tỷ đồng (tăng gấp 3,3 lần so với năm 1997).
Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển nhanh, toàn diện. Hiện, 100% số giáo viên, cán bộ quản lý của huyện có trình độ đạt chuẩn trở lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hằng năm ở các bậc học đạt 97,5 - 99,2%. Năm 2011 đã có 49 làng, khu dân cư được công nhận làng văn hóa; 19 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được cấp uỷ từ huyện đến cơ sở coi trọng. Đến nay, Đảng bộ huyện có 6.858 đảng viên, sinh hoạt tại 49 tổ chức cơ sở đảng. Mỗi năm, đã kết nạp trên 180 đảng viên. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp uỷ tổ chức triển khai nghiêm túc; đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Số cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh tăng từ 32% (năm 1997) lên 81,6% (năm 2011), không còn cơ sở đảng yếu kém. Đảng bộ huyện nhiều năm trong sạch, vững mạnh, được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen.


Huyện Thanh Hà hiện có 2.154 cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ, thu hút gần 9.000 lao động. Trong ảnh: Công ty TNHH May TBT (Thanh Hải) chuyên sản xuất, gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: Lan Anh

Bước sang thời kỳ phát triển mới, huyện Thanh Hà có rất nhiều thuận lợi, song còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu đã đạt được sau 15 năm tái lập, thời gian tới Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Hà tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế trang trại. Đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Duy trì diện tích lúa khoảng 3.000 ha, giữ vững ổn định và phát huy hiệu quả khoảng 3.900 ha cây vải. Triển khai xây dựng các cụm công nghiệp Hồng Lạc, Thanh Cường - Vĩnh Lập, khu công nghiệp Tiền Tiến - Thanh Hải. Tiếp tục thực hiện Dự án Du lịch Sinh thái sông Hương. Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường 390 (đoạn Tân An - Thanh Hải), phối hợp thực hiện triển khai đoạn nối quốc lộ 5 với đường 390; nâng cấp một số tuyến đường đoạn Việt Hồng - Đò Giải...  Đẩy mạnh phát triển văn hoá - xã hội. Trong đó, tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học. Thực hiện tốt các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chính sách xã hội đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương. Bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết, xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc các quy định về tuyển chọn, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, từng bước trẻ hoá đội ngũ cán bộ. Phát huy dân chủ, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, gắn việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với chăm lo lợi ích thiết thực của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí…


Phát huy những thành tựu 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Hà tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng quê hương Thanh Hà giàu mạnh, văn minh.

LÊ THANH BÌNH - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà

(0) Bình luận
Thanh Hà 15 năm xây dựng và phát triển