Thanh Cường ngày càng khởi sắc

05/05/2018 09:29

Chúng tôi về Thanh Cường (Thanh Hà) vào những ngày đầu hè, nhìn vườn vải sai quả xen lẫn những thảm lúa xanh đang làm đòng như báo hiệu cho một mùa bội thu mới.


Trung tâm hành chính - văn hóa xã Thanh Cường được xây dựng khang trang

Trong niềm vui kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đang phấn khởi chuẩn bị lễ đón bằng công xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Thanh Cường là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Năm 1928, đồng chí Trần Khắc Quảng (tức Khóa Nam), cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên từ Hải Phòng về tuyên truyền, hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng  ở  Thanh Cường. Khi đồng chí Quảng họp tại nhà ông Nguyễn Bá Khắc ở thôn Vĩnh Bình, phó lý Nguyễn Văn Tôn đã đưa mật thám và lính Pháp về vây bắt. Đồng chí Quảng bị trúng đạn, gẫy chân, đến bến đò Gùa thì hy sinh. Khám trong người ông, chúng thu được cuốn “Đường kách mệnh” đem nộp tri huyện Thanh Hà. Trải qua bao thăng trầm của lịch  sử, cuốn “Đường kách mệnh”  ngày ấy nay được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, năm 2012 được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây cũng là cuốn “Đường kách mệnh” gốc duy nhất còn lại đến nay.

Qua nhiều lần tách nhập và thay đổi tên gọi như Hạ Trường, Chấn Hưng, Tân Hưng, từ tháng 1.1956 đến nay xã có tên là Thanh Cường. Vùng quê cách mạng ấy đã không ngừng đổi mới. Đặc biệt là những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã cùng nhau đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm xây dựng NTM với mục tiêu: Cải tạo, nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa - môi trường,  phục vụ  và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương. Trao đổi với chúng tôi,  đồng chí  Hoàng Văn Đại, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy Thanh Cường cho biết: Đảng ủy xã có Nghị quyết chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn; UBND xã thành lập Ban chỉ đạo NTM; lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch phân chia giai đoạn để đầu tư xây dựng các hạng mục; khảo sát đồng ruộng, hiện trạng đường giao thông, bàn bạc công khai, minh bạch, dân chủ với nhân dân để nâng cấp cải tạo. Bên cạnh vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn hỗ trợ của huyện, tỉnh thì nguồn vốn xã hội hóa với sự đóng góp của các doanh nghiệp và người dân địa phương được đặc biệt chú trọng, chiếm hơn 35% trong tổng kinh phí 123,155 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. 

Địa phương đã lập quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, thuỷ sản, các vùng phát triển dân cư, dịch vụ và được UBND huyện phê duyệt. Xã tổ chức tuyên truyền, công bố quy hoạch công khai, rộng rãi để mọi người dân nắm được. Các tuyến đường giao thông trong xã, các thôn xóm và đường nội đồng được trải nhựa hoặc bê tông hóa, xe cộ đi lại thuận tiện. Đêm về, ánh điện lung linh tỏa sáng trên con đường làng, làm cho đời sống văn hóa của nhân dân thêm khởi sắc. Các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh đều có bước phát triển. Các trường mầm non, tiểu học, THCS đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Toàn xã đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS. Nhà văn hóa với khuôn viên  2.800 m2, diện tích xây dựng 350 m2 và sân vận động rộng 15.300 m2  là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thể thao của nhân dân địa phương. Đời sống của người dân Thanh Cường đã được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 29,3 triệu đồng/người thì năm 2017 thu nhập bình quân đầu người đã đạt 38,2 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 còn 1,95%. Toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Cả 5 thôn trong xã đều là làng văn hóa. Sau hơn 3 năm thực hiện, Thanh Cường đã đạt 19 tiêu chí NTM. 

Theo đồng chí Đặng Văn Lan, Chủ tịch UBND xã, bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Cường có được trong xây dựng NTM là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ đảng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của mỗi đảng viên; tuyên truyền, vận động, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình với cộng đồng làng, xã; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ, mọi người dân được bàn bạc, đóng góp ý kiến và tham gia, giám sát. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về vốn của trên, tạo động lực cho việc huy động vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp. Trong phong trào xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, tham gia nhiều ngày công, động viên con em xa quê hương gửi tiền về hỗ trợ. 

Đảng bộ và nhân dân Thanh Cường tiếp tục phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, bảo đảm đời sống người dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.

LÊ QUÝ HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Cường ngày càng khởi sắc