Các mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực.
Nhờ dân vận khéo, hệ thống giao thông ở thôn Thúy Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đã hoàn thiện,
phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế địa phương
Thực hiện Kế hoạch số 08-KH/DV về công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010- 2020 của Ban Dân vận Tỉnh ủy, đến cuối năm 2015, tất cả các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã thành lập các tổ dân vận. Các tổ có nhiệm vụ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đưa ra những biện pháp giải quyết phù hợp để xây dựng NTM.
Một trong những mô hình dân vận khéo ở xã Cẩm Văn đã được nhiều nơi trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đến học tập. Đó là việc vận động nhân dân chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, dồn điền, đổi thửa trên diện tích 17 ha ở thôn Uyên Đức. Trước đây, do ruộng trũng lại ở ngoài bãi, hiệu quả cấy lúa không cao nên người dân có mong muốn được chuyển sang trồng cà rốt. Sau khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cán bộ thôn đã xây dựng phương án cụ thể và tổ chức họp lấy ý kiến của người dân. Mặc dù mỗi gia đình phải đóng góp 10 triệu đồng để tôn cao ruộng, làm đường giao thông, kênh mương nhưng sau khi được giải thích, các hộ đều đồng tình. Mô hình chuyển đổi của thôn Uyên Đức mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp chục lần so với cấy lúa.
Không chỉ trong nông nghiệp, các lĩnh vực khác cũng thu được kết quả tích cực từ sự khéo léo của các tổ dân vận ở cơ sở. Khi thôn Thúy Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đưa vấn đề làm lại đường giao thông ra bàn bạc thì vẫn có một số ý kiến phản đối. Ông Đào Xuân Lư, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn Thúy Lâm cho biết: "Một số người cho rằng đời sống còn khó khăn, không có tiền đóng góp, chúng tôi đã phân tích để họ hiểu có đường giao thông thì việc vận chuyển hàng hóa, buôn bán mới thuận lợi, từ đó kinh tế sẽ được nâng lên. Còn những người cho rằng đường hỏng là do một số gia đình có ô tô đi vào thì chúng tôi giải thích đường làm từ lâu nên đã bị xuống cấp. Bây giờ phải làm đường mới to đẹp hơn, đi lại dễ dàng hơn". Do bà con được giải thích thấu đáo nên việc làm đường ở thôn Thúy Lâm sau đó diễn ra khá suôn sẻ. Người dân đóng góp 905 triệu đồng trong tổng kinh phí làm đường 925 triệu đồng. Đến nay, 100% đường thôn, xóm và đường ra đồng của thôn được bê tông hóa. Nhờ giao thông thuận lợi, bộ mặt nông thôn ở Thúy Lâm đã thay đổi rõ rệt. Từ chỗ thôn chỉ có vài chiếc ô tô vận tải thì nay đã tăng lên hơn 80 chiếc và gần 10 xe ô tô du lịch.
Có thể nói, các mô hình dân vận khéo trong xây dựng NTM đã mang lại hiệu quả rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực. Trong nông nghiệp, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy vùng sản xuất, gieo cấy lúa lai, trồng rau màu ở các huyện Kim Thành, Gia Lộc, Nam Sách... cho giá trị kinh tế cao. Các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội cũng có nhiều đổi mới trong việc giúp đỡ hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương cũng xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến. Nhiều địa phương đã vận động nhân dân tích cực ủng hộ tiền của và ngày công xây dựng các công trình. Một số huyện như Tứ Kỳ, Bình Giang, Thanh Hà... đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về giải phóng mặt bằng để thi công các công trình hạ tầng bảo đảm tiến độ. Ngoài ra, nhiều mô hình dân vận khéo ở các địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong bảo đảm vệ sinh môi trường, vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch…
Mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực văn hoá - xã hội ở các địa phương, đơn vị tập trung vào một số nội dung như tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào giảm nghèo, xóa nhà tranh tre, vách đất. Đồng thời, vận động người dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, khu dân cư; làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa... Trong xây dựng làng văn hóa, xây dựng trường, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia cũng có nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 59 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả này có một phần đóng góp quan trọng của các mô hình dân vận khéo. Phong trào xây dựng NTM đã giúp cơ sở hạ tầng nông thôn đổi thay rõ nét, toàn tỉnh đã làm mới, cải tạo 2.350 km đường giao thông nông thôn; 92,5% đường xã và liên xã, 92% đường thôn, 89% đường xóm đạt chuẩn NTM. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm theo hướng chuẩn hóa, có 447 trường đạt chuẩn quốc gia; 94,2% số xã và 97% số thôn có nhà văn hóa. Đặc biệt, 100% số xã đã có mạng lưới cấp nước sạch, 85% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tổng kinh phí cho xây dựng NTM trong toàn tỉnh 5 năm qua đạt 24.470 tỷ đồng.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, để xây dựng NTM thành công thì cấp cơ sở phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Để giải quyết những khúc mắc, thành viên các tổ dân vận phải tìm hiểu nguyên nhân và giải thích cho người dân hiểu. Có như vậy việc xây dựng NTM mới đạt kết quả cao, không gây bức xúc ở cơ sở. Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò của các tổ dân vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng các mô hình phù hợp.
THANH HÀ