Thành công kép của hát xoan

14/04/2019 06:41

Thành công của hát xoan đến từ 4 bài học thực tiễn. Đó là từ sự trân trọng giá trị di sản đến chiến lược và kế hoạch bảo vệ bài bản, quyết liệt...

Hát xoan hiện được thực hành thường xuyên theo đúng tập tục lưu truyền ở tỉnh Phú Thọ

Hát xoan nổi tiếng với danh xưng “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” và bài học “lội ngược dòng”, được đặc cách, ngoại lệ duy nhất khiến cộng đồng quốc tế thuộc UNESCO thực sự tâm phục, khẩu phục. Không có bất kỳ một sự ưu ái nào, thiên vị nào đối với riêng di sản hát xoan. Vậy thành công đến từ đâu?

Năm 2011, hát xoan được đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Khi đó chỉ còn 7 nghệ nhân còn nhớ, còn hát được. Không có học trò, người kế cận bài bản. Không có công chúng và đã từ lâu chẳng còn không gian diễn xướng, quan hệ với các cộng đồng có liên quan để được giao lưu, trình diễn. Ngày đón nhận danh hiệu “khẩn cấp” đầu năm 2012, người đứng đầu tỉnh Phú Thọ hứa với cộng đồng: “Chúng ta cam kết với UNESCO sau 4 năm sẽ hết tình trạng khẩn cấp của hát xoan”. Và những người Phú Thọ thực sự đã nói là làm và làm một cách thuyết phục. Cho đến tháng 10.2015, đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp báo cáo với UNESCO tại trụ sở Paris. Cuộc gặp diễn ra trong hơn một giờ. Ông trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng về hiện trạng, sự hồi sinh của hát xoan, những giải pháp và số liệu cụ thể và kết luận bài trình bày của mình một cách tự tin: “Hát xoan của chúng tôi đã hết tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp”. 

Thành công của hát xoan đến từ 4 bài học thực tiễn. Đó là từ sự trân trọng giá trị di sản đến chiến lược và kế hoạch bảo vệ bài bản, quyết liệt; sự ủng hộ nguyện vọng, quyền lợi của cộng đồng đến biện pháp bảo vệ cụ thể, đặc biệt là vai trò quản lý nhà nước được đặt đúng mức, hợp lý; sự huy động phối hợp năng lực, sự tham gia của những bên liên quan từ cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý các cấp và tổ chức xã hội và cuối cùng quan trọng nhất là việc đầu tư tập trung cho 4 phường xoan gốc - những giá trị cốt lõi, sức sống di sản.

6 năm qua, hát xoan đã thực sự hồi sinh cùng những tập tục liên quan như tục hát cửa đình và tục kết nghĩa giữa các làng có đình, miếu liên quan với các phường xoan, càng phát huy tính cộng đồng và lòng vị tha. Chức năng trình diễn nghệ thuật của hát xoan, đặc biệt là phần hát giao duyên ngày nay không những đang được duy trì đều đặn trong mọi dịp lễ, Tết mà còn được mở rộng dưới nhiều hình thức như sinh hoạt cộng đồng, công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên địa phương, dịp gặp gỡ bạn bè, liên hoan văn nghệ cơ quan. Khi đó hát xoan được phát huy như một sự tự giới thiệu về văn hóa và bản sắc địa phương của cộng đồng cư dân Phú Thọ, thể hiện trong và ngoài nước.

Gần đây, vẫn dựa trên các bài bản xoan cổ, những người yêu xoan còn sáng tác, phổ biến những lời xoan mới thích ứng với lứa tuổi và sở thích của lớp trẻ để đáp ứng nhu cầu giáo dục đạo đức, lối sống mới và cả việc bảo vệ môi trường. Những người tham gia hát xoan cùng thực hành trong một tổ chức gọi là phường xoan. Mỗi phường xoan hiện có khoảng 30-100 người. Người đứng đầu mỗi phường xoan gọi là trùm. Trùm phường là người truyền dạy và tổ chức mọi hoạt động của phường. Họ là người nắm chắc các bài bản và lề lối thực hành hát xoan, có khả năng tổ chức, vận động các thành viên trong phường và mọi người tham gia. Những người giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy các chức năng của hát xoan ngày nay chính là lớp nghệ nhân thế hệ kế cận ở độ tuổi 30 trở lên. Họ là lực lượng nòng cốt của 4 phường xoan, tích cực thực hành và truyền dạy cho thế hệ trẻ tại các phường, câu lạc bộ xoan mới và những khóa tập huấn cho cộng đồng.

Từ sau khi hát xoan được ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO năm 2011, toàn bộ quy trình 3 chặng của hát xoan gồm hát thờ, hát nghi lễ, hát hội đã được phục hồi, hiện được thực hành thường xuyên theo đúng tập tục lưu truyền bởi các cộng đồng thuộc hai tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc, tập trung nhất là ở 4 phường xoan An Thái (xã Phượng Lâu); Thét, Phù Đức và Kim Đái (xã Kim Đức, TP Việt Trì, đều thuộc tỉnh Phú Thọ).

Với một tầm nhìn xa và rất sáng tạo, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã đi tiên phong trong việc xây dựng đề án bảo tồn hát xoan, đề ra và thực hiện chính sách tôn vinh, hỗ trợ nghệ nhân các phường xoan ở Phú Thọ ngay sau khi di sản được vinh danh. Điều đó có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với nghệ nhân hát xoan. Tháng 12.2017, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã quyết định đưa hát xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một cú đúp thành công ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

TS. LÊ THỊ MINH LÝ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Hát xoan là nghệ thuật trình diễn hát thờ Vua Hùng, được trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng vào dịp đầu xuân. Một cuộc trình diễn hát xoan có 3 chặng: Hát thờ với những bài ca ngợi công đức các Vua Hùng, thành hoàng làng; hát quả cách với 14 tiết mục ngợi ca thiên nhiên, con người lao động sản xuất; hát hội với những bài bày tỏ tình yêu đôi lứa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành công kép của hát xoan