Từ nhiều năm nay, “Đền ơn, đáp nghĩa” đã trở thành một nét đẹp văn hóa của Thanh Bính. Đảng ủy, chính quyền xã luôn coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Đoàn viên thanh niên xã Thanh Bình quét dọn nghĩa trang liệt sĩ
Trưa một ngày đầu tháng 7, anh Phạm Xuân Thình, Bí thư Chi bộ Mạnh Tiến, thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính (Thanh Hà) tiếp chúng tôi khi vừa đi chuyển quà của Trung ương và của tỉnh tới các gia đình chính sách về. Anh cho biết: “Đã thành nền nếp, vào dịp 27-7 và Tết Nguyên đán hằng năm, sau khi nhận quà từ cấp trên chuyển xuống, chúng tôi và đại diện Ban Công tác mặt trận thôn đều kịp thời chuyển đến tận tay các gia đình chính sách. Đây cũng là dịp để chúng tôi gặp mặt, nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh em thương bệnh binh, động viên thân nhân các liệt sĩ phát huy truyền thống của gia đình, chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Bản thân anh Thình cũng là một bệnh binh nên hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của những người vì đất nước đã để lại một phần máu thịt của mình ở chiến trường. Đối với anh, thực hiện tốt việc làm của mình là một cách để tri ân những đóng góp của họ.
Qua các cuộc kháng chiến, Thanh Bính có 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 117 liệt sĩ, 72 thương binh, 35 bệnh binh và 24 người trực tiếp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bà Ngô Thị Vinh, 83 tuổi, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Tèo ở thôn Thanh Lanh cho biết: “Tôi tuổi đã cao, đi lại khó khăn, nhưng rất vui vì năm nào cũng được các cán bộ thôn, xã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà vào các dịp lễ, Tết và ngày 27-7. Đó là niềm an ủi lớn đối với gia đình tôi”.
Từ nhiều năm nay, “Đền ơn, đáp nghĩa” đã trở thành một nét đẹp văn hóa của Thanh Bính. Đảng ủy, chính quyền xã luôn coi công tác đền ơn, đáp nghĩa là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Hằng năm, cùng với tổ chức quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về thực hiện chính sách với người có công, Đảng ủy và các chi bộ cơ sở ở Thanh Bính đều ra nghị quyết chuyên đề về công tác đền ơn, đáp nghĩa. Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình cụ thể để chăm lo cho các gia đình chính sách. Hội Cựu chiến binh xã giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tổ chức nói chuyện truyền thống cho thanh, thiếu nhi. Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động tình nguyện, hoạt động về nguồn, thắp nến tri ân…
Đồng chí Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: Chính quyền xã luôn nhất quán quan điểm, đối với các gia đình chính sách, người có công. Việc chi trả chế độ của Nhà nước phải luôn bảo đảm chính xác, kịp thời, tới tận tay đối tượng. Từ năm 2006 đến nay, Ban Thương binh xã hội của xã đã chi trả gần 10 tỷ đồng cho hơn 13,8 nghìn lượt người có công, không để xảy ra sai sót, khiếu kiện. Bên cạnh đó, Đảng ủy, HĐND, UBND xã thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công già yếu hoặc phải đi bệnh viện, tổ chức thăm viếng chu đáo khi người có công và thân nhân của họ qua đời. Vào dịp Tết Nguyên đán và ngày 27-7 hằng năm, các đồng chí lãnh đạo địa phương đều cùng cán bộ cơ sở đi thăm, tặng quà và chuyển quà của cấp trên tới từng gia đình chính sách. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. 5 năm qua, xã đã 2 lần tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí tại xã cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Đồng thời, làm tốt việc theo dõi, quản lý người có công và thân nhân người có công đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình. Xã cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh phát huy khả năng của mình phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều thương binh, bệnh binh đã vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, Điển hình như thương binh Nguyễn Văn Đức ở thôn Thanh Lanh, bệnh binh Nguyễn Đức Lục ở thôn Phúc Giới trồng lúa, trồng vải giỏi, bệnh binh Nguyễn Thành Cư kinh doanh giỏi... Một số thương binh, bệnh binh tích cực tham gia công tác xã hội, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo các tổ chức đảng, chi hội đoàn thể ở địa phương. Thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, một số gia đình có người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được hỗ trợ một phần kinh phí cải tạo, xây dựng nhà ở. Hiện nay, hầu hết các gia đình chính sách đều có kinh tế ổn định. Năm 2010, từ nguồn vốn 120 triệu đồng của Nhà nước, xã đã tu sửa phần mộ, đường đi, bờ kè của nghĩa trang liệt sĩ. Nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây nhà bia tưởng niệm. Mỗi khi có hài cốt liệt sĩ được đưa về địa phương, xã đều tổ chức lễ đón trang trọng, ý nghĩa.
Những ngày này, các thôn, xóm ở Thanh Bính đang phát động nhân dân tích cực ủng hộ Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa. Đoàn Thanh niên xã tổ chức quét dọn vệ sinh, chăm sóc cây xanh khu vực nghĩa trang liệt sĩ, chuẩn bị cho lễ thắp nến tri ân vào tối 26-7 và lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7. Xã sẽ tổ chức gặp mặt và trích gần 30 triệu đồng tặng quà các thương, bệnh binh, gia đình chính sách ở địa phương…
THANH MAI