Cách đây đúng 40 năm, 11 giờ ngày 30-4-1972, đất trời Quảng Trị bỗng rung lên bởi những loạt đạn pháo của Quân giải phóng vào căn cứ địch...
Đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ Thành cổ năm 1972
Với tôi, từ lâu Thành cổ Quảng Trị là một địa danh thiêng liêng, in đậm chiến tích lẫy lừng của dân tộc như một huyền thoại mà từ bao năm nay tôi hằng ước ao một lần được đặt chân tới, nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Thì may sao trong chuyến đi thực tế sáng tác vào miền Trung, tôi được tới mảnh đất thiêng Thành cổ.
Đứng trước Đài tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu quyết liệt giữ vững Thành cổ năm 1972, chúng tôi nghe không sót một lời từ anh bộ đội còn rất trẻ đội mũ tai bèo, vận quân phục màu lá cây, có giọng nói như rót vào tai, đưa người nghe ngược thời gian về những tháng năm gian khổ, hào hùng, mà trào dâng niềm xúc động.
Cách đây đúng 40 năm, 11 giờ ngày 30-4-1972, đất trời Quảng Trị bỗng rung lên bởi những loạt đạn pháo của Quân giải phóng dồn dập dội bão lửa vào toàn bộ hệ thống căn cứ địch. Trong lúc bộ đội pháo binh áp đảo địch thì bộ binh và xe tăng ta hành tiến giữa ban ngày đánh chiếm căn cứ địch, hỗ trợ nhân dân vùng lên diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ. Chỉ trong 5 ngày cuộc tấn công đợt một, quân ta đã đập nát hệ thống cứ điểm địch, giải phóng ba huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Trên đà chiến thắng, 5 giờ 30 ngày 27-4-1972, quân ta lại mở cuộc tấn công đợt 2 bằng trận bão lửa trút xuống 4 cứ điểm lớn của địch. Sau đó, quân ta dồn dập đánh chiếm Đông Hà, sân bay Ái Tử và Chỉ huy sở Sư đoàn 3 ngụy. Ngày 1-5-1972, Quân giải phóng từ các hướng ào ạt đánh chiếm căn cứ La Vang và tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị. Chiều 1-5, lá cờ chiến thắng đã tung bay trên nóc Dinh tỉnh trưởng. Sau 18 năm bị Mỹ-ngụy chiếm đóng, tỉnh Quảng Trị đã hoàn toàn được giải phóng, đúng vào Ngày Quốc tế lao động 1-5, cách đây tròn 40 năm.
Tôi ghi vội mấy dòng tư liệu, rồi lại chăm chú lắng nghe lời người hướng dẫn viên kể lại hơn 80 ngày đêm (từ 28- 6 đến 16-9-1972) rung chuyển đất trời Thành cổ.
Quảng Trị bị thất thủ, Huế có nguy cơ bị đe dọa, vì thế, Mỹ-ngụy dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, mà mục tiêu số 1 là chiếm lại Thành cổ. Ngày 28-6-1972, địch mở cuộc hành quân phản kích Thành cổ. Trong lịch sử chiến tranh, chưa có cuộc hành quân nào mà mục tiêu chỉ là đánh chiếm một tòa thành cổ có chu vi 2.080 m lại huy động một lực lượng đông và sử dụng một lượng chất nổ khổng lồ như Mỹ-ngụy đã sử dụng trong cuộc tái chiếm Thành cổ. Chỉ riêng số bom đạn ném xuống đã khoảng 328 nghìn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Thành cổ Quảng Trị là nơi thể hiện tập trung, tiêu biểu nhất về tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta. Trong hơn 80 ngày đêm, có ngày ta phải đương đầu với 5 đợt phản kích bằng bộ binh, xe tăng, pháo binh, máy bay địch. Tính trung bình mỗi chiến sĩ ở Thành cổ phải hứng chịu hơn 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Bốn dãy tường ở bốn phía Thành cổ dày đến 12 m mà đều bị vỡ, đến một viên gạch nơi đây cũng không còn nguyên vẹn.
Để xứng đáng tầm vóc và giá trị lịch sử của Thành cổ, năm 1992, Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ) đã đầu tư xây dựng và tôn tạo nơi đây thành Công viên văn hóa tưởng niệm với nhiều công trình, hạng mục có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, như Đài tưởng niệm, Nhà bảo tàng...
Thành cổ Quảng Trị hôm nay cỏ non đã lên xanh.
Thành cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 2km về phía bắc, cách bờ sông Thạch Hãn 500 m về phía đông. Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị, thời vua Gia Long năm thứ 8 (1809) đã cho đắp thành bằng đất, hình vuông, làm thành lũy cho dinh (tỉnh) Quảng Trị, vùng đất luôn được nhà Nguyễn coi như phên dậu phía bắc kinh thành Huế. Đến năm 1837, vua Minh Mạng lại cho xây thành bằng gạch, có chu vi 2.080 m, chân tường dày 12 m, cao 4,2 m. Gần 140 năm (1809-1945) thời đế quốc, phong kiến, Thành cổ là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh Quảng Trị. Năm 1885, trên đường ra Tân Sở, Cam Lộ lập căn cứ chống Pháp, vua Hàm Nghi dừng lại Thành cổ kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp.
|
CAO NĂM